Giải pháp hợp lý

Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (Nghị quyết 42) được ban hành từ năm 2017 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết, mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Kéo dài thời hạn xử lý nợ xấu: Vẫn cần thêm các giải pháp đồng bộ

Nợ xấu đang là thách thức không nhỏ đối với ngành Ngân hàng.

Từ khi có Nghị quyết 42, việc xử lý nợ xấu đã đạt kết quả tích cực, trong đó xử lý nợ xấu bằng hình thức khách hàng tự nguyện trả nợ tăng mạnh, phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện. Khách hàng chủ động và hợp tác hơn trong việc trả nợ tổ chức tín dụng, hạn chế tình trạng chủ tài sản cố ý chây ỳ, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý.

Tuy nhiên, thời gian hiệu lực của Nghị quyết 42 chỉ có 5 năm, theo đó dự kiến đến tháng 8/2022, nghị quyết sẽ hết hiệu lực. Do đó, việc tiếp tục duy trì một công cụ pháp luật đủ mạnh để đảm bảo hiệu quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh hiện tại là khá cấp thiết, đặc biệt trong bối cảnh nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đều đang có xu hướng gia tăng.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay, đến cuối năm 2021 đã lên tới khoảng 2%. Trường hợp nếu tính các khoản nợ đã được tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN (và các văn bản sửa đổi, bổ sung Thông tư 01) thì tổng các khoản nợ xấu và nợ có nguy cơ chuyển thành nợ xấu có thể lên tới 7,42%. Ths. Nguyễn Thị Diễm Hiền - Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng cần đặc biệt lưu ý đến khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu.

Vẫn cần những giải pháp toàn diện

Bối cảnh hiện nay cho thấy nhu cầu cần tiếp tục kéo thời gian thực hiện Nghị quyết 42 là cần thiết, duy trì công cụ hiệu quả cho các tổ chức tín dụng tiếp tục xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, Nghị quyết 42 nếu chấm dứt và không được kéo dài tiếp thì việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Tuy vậy, việc tiếp tục kéo dài Nghị quyết 42 cũng chỉ là một trong những giải pháp trước mắt, trong khi chờ đợi tiếp tục hoàn thiện xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng để hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý về xử lý nợ xấu. Bởi lẽ, Nghị quyết 42 không thể “gánh” toàn bộ những yêu cầu về pháp lý cho nợ xấu do văn bản này chưa thể bao quát hết mọi vấn đề thực tế.

Bà Nguyễn Thị Phương - Trưởng Ban pháp chế thuộc Ngân hàng BIDV cho biết, mặc dù Nghị quyết 42 cũng có đề cập những tình huống tranh chấp mà tòa án có thể xử lý theo thủ tục rút gọn, nhưng thực tế tại BIDV chưa ghi nhận vụ việc nào được tòa án giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn. Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Thành - Giám đốc Trung tâm quản trị nợ Techcombank cho biết, Nghị quyết 42 chưa nhắc đến một số tài sản đặc thù như tàu bay, tàu biển, tài sản trong tương lai…

Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng, quy định về xử lý nợ xấu cũng cần cụ thể hóa các nội dung về phân bổ dần lãi dự thu, chênh lệch giữa giá trị khoản nợ và giá bán nợ xấu của tổ chức tín dụng trong khoảng thời gian nhất định. Quy định này đảm bảo quyền chủ nợ của bên nhận bảo đảm, đảm bảo quyền tự do thỏa thuận giữa các bên.

Với bối cảnh hiện tại, việc thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các giải pháp về xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Trong đó, một trong những giải pháp khác cũng được đặt ra là việc thị trường hóa các khoản nợ xấu. Sàn giao dịch nợ đã hoạt động từ 15/10/2021, hoạt động chủ yếu của sàn là tạo lập kênh thông tin chính thức, thông qua việc thu thập và đẩy các thông tin để các nhà đầu tư, khách hàng quan tâm. Tuy nhiên, hiện nay thị trường còn thiếu vắng đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn và môi giới, do đó, sàn giao dịch nợ cũng vẫn còn cần thời gian để tiếp tục mở rộng phát triển toàn diện hơn.

Covid-19 ảnh hưởng đến việc xử lý nợ xấu

Theo Ngân hàng Nhà nước, sau khi xử lý được khối lượng lớn nợ xấu trong năm 2018, 2019, tốc độ xử lý nợ xấu trong năm 2020 và năm 2021 có xu hướng chậm lại, trong đó xử lý nợ xấu theo hình thức khách hàng trả nợ giảm (năm 2020 giảm 12,98 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 75,8% năm 2019). Lý do là dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính của khách hàng. Đồng thời, việc xử lý tài sản đảm bảo, đặc biệt là tài sản đảm bảo bằng bất động sản cũng gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh nền kinh tế cần thời gian để phục hồi và khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo cần tiếp tục được rà soát, bổ sung và hoàn thiện.