Kiên định mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Ảnh: VÂN TRUNG

3 năm tới cần triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc

Theo ông Lê Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), giai đoạn 2001 - 2010, cả nước chỉ đưa vào khai thác được 89 km đường cao tốc. Giai đoạn 2011 - 2020, tiếp tục đưa vào khai thác thêm 1.074 km, nâng tổng số chiều dài cao tốc đường bộ của nước ta đến hết năm 2020 lên 1.163 km.

Từ năm 2020 đến nay Quốc hội, Chính phủ đã dành nguồn lực lớn để đầu tư các đường cao tốc và đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng thêm 566 km (trong đó có 166 km do các địa phương đầu tư hoặc là cơ quan chủ quản), nâng tổng số đường cao tốc của nước ta đến nay lên 1.729 km. Như vậy, chỉ trong 3 năm đã hoàn thành số lượng bằng 1/2 số km đường cao tốc triển khai trong 10 năm trước đây. Để đạt được mục tiêu đến năm 2025 có 3.000 km đường cao tốc, trong 3 năm tới ngành GTVT phải nỗ lực triển khai khoảng 1.300 km đường cao tốc.

Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, trong năm 2022 Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư của 6 dự án đường cao tốc (cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025, Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh và vành đai 4 Hà Nội), với tổng chiều dài khoảng 1.300 km, tổng vốn đầu tư gần 400.000 tỷ đồng; trong đó có khoảng 500 km giao cho các địa phương triển khai.

Ngoài ra, Bộ GTVT và các địa phương cũng đã và đang hoàn thành các thủ tục để chuẩn bị khởi công xây dựng khoảng 700 km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 400 km và đang thu xếp nguồn vốn để sau 2025 triển khai khoảng 900 km, trong đó địa phương thực hiện khoảng 750 km…

Cũng theo ông Lê Quyết Tiến, từ thực tiễn triển khai các dự án cao tốc trong thời gian qua, Bộ GTVT đã đúc kết các bài học kinh nghiệm. Cụ thể, là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đường bộ cao tốc.

Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đường bộ cao tốc

Từ thực tiễn triển khai các dự án cao tốc trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã đúc kết các bài học kinh nghiệm quý báu. Đó là là sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; nâng cao nhận thức về vị trí vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển đường bộ cao tốc.

Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách phải có tính đột phá, đồng bộ trên nguyên tắc bám sát thực tiễn theo hướng giảm thiểu các thủ tục hành chính và các khâu trung gian để tập trung trách nhiệm, rút ngắn thời gian thực hiện.

Công tác đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực cán bộ, hỗ trợ kỹ thuật các địa phương cần làm sớm, trong quá trình triển khai; huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với việc tuyên truyền để nhận được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp khi triển khai đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Tư duy mới, cách làm mới

Trong việc triển khai dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã có những chia sẻ, tại hội nghị mới đây do Bộ GTVT tổ chức về chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án đường bộ cao tốc. Cụ thể là, TP. Hà Nội tách công tác GPMB thành dự án thành phần độc lập; triển khai đồng thời với công tác GPMB một số công việc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: tổ chức lập, phê duyệt, bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB để các địa phương tổ chức thực hiện; hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB sẽ được cập nhật đảm bảo phù hợp với dự án đầu tư được duyệt; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trên cơ sở hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB, rà soát nhu cầu tái định cư, tổ chức lập dự án đầu tư xây dựng các khu tái định cư, thực hiện GPMB khu tái định cư (nếu có).

Đồng thời, TP. Hà Nội đã căn cứ theo Điều 111 của Luật Đất đai (năm 2013) để ứng vốn cho việc bồi thường, GPMB; tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đã được phê duyệt để thực hiện GPMB, làm cơ sở bố trí kế hoạch đầu tư công hàng năm.

Cuối cùng, để tăng tính chủ động của địa phương, TP. Hà Nội đã giao nhiệm vụ GPMB trực tiếp cho các quận huyện có tuyến vành đai 4 đi qua triển khai, vốn bố trí được phân bổ cụ thể cho từng địa phương..

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, chưa có dự án nào mà lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương lại vào cuộc quyết liệt và đồng bộ như các dự án cao tốc vừa qua. Điểm mới thể hiện ở chỗ, khi các lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành đi thực địa đều giải quyết kịp thời các "điểm nghẽn" mà thuộc thẩm quyền của từng cấp, từng ngành.

Đặc biệt, trong điều hành triển khai các dự án có sự thay đổi vượt bậc, khâu tổ chức, điều hành đã ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại để tăng cường năng lực quản lý, huy động hiệu quả nguồn nhân lực sẵn có để tạo nên sức mạnh mới, nhất là trong công tác thẩm định, kiểm tra, kiểm soát ở các bước.

Trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ trong bước chủ trương đầu tư, lập dự án, lập thiết kế kỹ thuật, tổ chức đấu thầu, thiết kế bản vẽ thi công… đều có sự đổi mới rất hiệu quả, giúp đạt được những kết quả như hiện nay, đặc biệt vẫn đảm bảo chất lượng, tiến độ là ưu tiên được đặt lên hàng đầu./.