![]() |
Trụ sở Ngân hàng Thế giới (WB) ở Washington, DC, Mỹ. (Ảnh: IRNA/TTXVN) |
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 23/4 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực Mỹ Latinh và Caribe trong năm 2025 từ 2,5% đưa ra hồi tháng 1 xuống còn 2,1% với lý do mức đầu tư thấp, nợ cao và tình hình bất ổn trên toàn cầu ngày càng gia tăng gây trở ngại cho sự phát triển của khu vực.
Phóng viên tại Mỹ Latinh dẫn báo cáo của WB cho biết sự chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển, mối quan ngại về những hạn chế thương mại toàn cầu, tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và việc cắt giảm viện trợ phát triển nước ngoài cũng là những lý do khiến tổ chức tài chính quốc tế này điều chỉnh triển vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh và Caribe.
Theo đó, Tổng Sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực sẽ lần lượt đạt mức tăng trưởng 2,1% và 2,4% trong năm 2025 và 2026.
Dự báo tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil và Mexico bị hạ đáng kể so với con số đưa ra hồi tháng 1.
Mexico sẽ không tăng trưởng trong năm nay sau dự báo tăng trưởng trước đó là 1,5%, trong khi ước tính GDP của Brazil giảm từ 2,2% xuống còn 1,8%. Argentina, quốc gia đã ký thỏa thuận trị giá 20 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tháng này, dự kiến sẽ tăng trưởng 5,5% trong năm 2025 so với mức đưa ra trước đó là 5,0%. Colombia sẽ tăng trưởng 2,4%; ở Chile, 2,1%; Peru với 2,9%; Ecuador với 1,9%; Panama với 3,5%; Paraguay với 3,5%...
Phó Chủ tịch WB Carlos Felipe Jaramillo cảnh báo bối cảnh kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể, đánh dấu bằng mức độ bất ổn gia tăng.
Do đó, các quốc gia cần hiệu chỉnh lại chiến lược và thúc đẩy các cải cách mạnh mẽ và thiết thực nhằm thúc đẩy năng suất và khả năng cạnh tranh.
Mức tăng trưởng ước tính 2,1% của khu vực trong năm nay khiến Mỹ Latinh và Caribe trở thành khu vực có mức tăng trưởng chậm nhất thế giới. Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư tăng cao, chi tiêu công vẫn là vấn đề đáng quan tâm.
WB dự báo tỷ lệ nợ trên đầu ra của khu vực đã tăng từ 59,4% vào năm 2019 lên 63,3% vào năm 2024. Bên cạnh đó, sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI), vốn là mối lo ngại của một số ngành ở các nền kinh tế phát triển, phát triển chậm trong khu vực, nơi vốn chỉ từ 26%-38% việc làm liên quan đến với công nghệ này.
Báo cáo của WB cho biết từ 7%- 14% số việc làm ở Mỹ Latinh có thể trở nên năng suất hơn thông qua việc cải thiện áp dụng AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ cá nhân. Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng ảnh hưởng đến nhu cầu lao động.
Nhà kinh tế trưởng khu vực Mỹ Latinh và Caribe của WB, ông William Maloney nhận định việc tiếp cận công nghệ và tận dụng quy mô kinh tế cho thấy thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy tăng trưởng ở Mỹ Latinh và Caribe.
Việc tăng cường và mở rộng các điểm đến thương mại, xuất khẩu dịch vụ, cũng như việc di dời nguồn lực mang lại nhiều cơ hội cho khu vực, qua đó đòi hỏi các nước Mỹ Latinh phải tăng cường thúc đẩy cả năng suất và tính linh hoạt của nền kinh tế./.