Dự án Cung thiếu nhi Hà Nội dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào dịp tháng 10 tới. Ảnh tư liệu. |
Vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước tăng 33,9%
Tập trung giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt dồn nguồn lực để các công trình trọng điểm, có sức lan tỏa lớn sớm hoàn thiện là một trong những mục tiêu ưu tiên của TP. Hà Nội. Theo Cục Thống kê Hà Nội, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) do địa phương quản lý tháng 8 ước tính đạt 7.325 tỷ đồng, tăng 12,6 % so với thực hiện tháng trước và tăng 48,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện được 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 33,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 46% kế hoạch năm 2024.
Trong đó, một số công trình, dự án nổi bật như: Dự án xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 785 tỷ đồng, quy mô gồm 1 khối nhà cao 6 tầng có 2 đơn nguyên với năng lực thiết kế 200 giường bệnh nội trú. Đến nay dự án đã giải ngân 61,9% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm nay.
Hay như Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Công trình được xây dựng tại khu công viên và hồ điều hòa CV1 thuộc khu đô thị mới Cầu Giấy với tổng diện tích 39,6 nghìn m2, trong đó diện tích xây dựng 10,3 nghìn m2. Đến nay dự án đã giải ngân 80,9% kế hoạch vốn. Dự kiến công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng vào dịp rất gần, tháng 10 tới chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024)…
Bên cạnh vốn đầu tư tăng, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2024 tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,8%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9%; công nghiệp khai khoáng giảm 1,5%.
Hoạt động công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2024 có 20/23 ngành sản xuất có chỉ số IIP tăng so với cùng kỳ, trong đó một số ngành tăng khá như: Sản xuất máy móc, thiết bị tăng 19%; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy tăng 12,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 10,7%; sản xuất thiết bị điện tăng 9,9%; công nghiệp chế biến, chế tạo khác tăng 9,5%; sản xuất trang phục tăng 7,7%.
Một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Thủ đô là trong 8 tháng, toàn thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD.
Cùng đà, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng tăng. Thống kê trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 12,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ: Máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1,8 tỷ USD, tăng 17,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đạt 1,5 tỷ USD, tăng 10,4%; hàng dệt may đạt 1,5 tỷ USD, tăng 2,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 18,9%; xăng dầu đạt 1 tỷ USD, tăng 17,3%... Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 26,8 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Chăm lo an sinh xã hội
Cùng với việc chú trọng phát triển kinh tế, TP. Hà Nội còn bảo đảm an sinh xã hội; giải quyết việc làm cho người lao động…
Tháng 8, TP. Hà Nội thực hiện tốt việc chăm lo, thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, cán bộ lão thành cách mạng nhân dịp Kỷ niệm kỷ niệm 79 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 nhằm tôn vinh, tri ân tưởng nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng đã cống hiến to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp này, thành phố tặng gần 2,9 nghìn suất quà tương đương 6,1 tỷ đồng đến các đối tượng chính sách theo quy định bảo đảm kịp thời, công khai, dân chủ.
Cũng trong 8 tháng năm 2024, thành phố đã tiếp nhận và giải quyết 7,5 nghìn hồ sơ hưởng chế độ người có công và thân nhân người có công. Tổng kinh phí chi cho công tác ưu đãi người có công là 1.727 tỷ đồng.
Đến nay, toàn thành phố đã xây dựng, ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa được trên 33,7 tỷ đồng, đạt 147,6% kế hoạch năm; tặng 1.734 sổ tiết kiệm “Tình nghĩa” với kinh phí 5,4 tỷ đồng, đạt 139,3%; tu sửa nâng cấp 53 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí 157,3 tỷ đồng, đạt 171%; vận động xã hội hóa cho việc tu sửa nâng cấp 159 nhà ở cho hộ gia đình người có công với cách mạng với kinh phí 6,5 tỷ đồng; các Mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn thành phố được chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo. Đặc biệt, công tác giảm nghèo cũng được thành phố quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay đã có 714 ngôi nhà được khởi công xây dựng, sửa chữa, đạt 98,6% kế hoạch năm, trong đó đã hoàn thành 294 nhà xây mới và 237 nhà sửa chữa, đạt 73,3%...
Thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài Một trong những điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Thủ đô là trong 8 tháng, toàn thành phố thu hút 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó: Đăng ký cấp mới 172 dự án với số vốn đạt 1,1 tỷ USD; 120 lượt tăng vốn đầu tư với 155 triệu USD; 154 lượt nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần đạt 177,7 triệu USD. |