Thất bại vì trụ

Diễn biến thị trường hôm nay một lần nữa cho thấy nếu không có sự đồng thuận ở nhóm cổ phiếu lớn, VN-Index rất khó bứt phá. Các cổ phiếu lớn có khả năng ảnh hưởng quá mạnh tới chỉ số này, thậm chí có thể điều hướng bất kỳ lúc nào.

Tâm lý giao dịch rất tốt, bằng chứng là số lượng cổ phiếu tăng giá luôn nhiều hơn giảm giá ở giai đoạn thị trường đi lên. VN-Index buổi sáng có khoảng 10 phút vượt qua mốc 1.400 điểm, cao nhất đạt 1.401 điểm. Buổi chiều chỉ số có đúng 1 tiếng đồng hồ nằm trên mốc 1.400 điểm, đỉnh cao nhất tới 1.402 điểm.

Thế nhưng cuối cùng vẫn là một kết cục thất bại. Từ 2h đến hết phiên, VN-Index bị các cổ phiếu vốn hóa lớn đẩy lao dốc mạnh mẽ, thậm chí là còn giảm xuống dưới tham chiếu. May mắn đến lúc đóng cửa, đà giảm ở các mã lớn cũng dừng lại, nhiều cổ phiếu được kéo ngược tăng lên, giúp VN-Index tăng hơn 2 điểm.

Lại thất bại, vì sao VN-Index chưa thể vượt 1.400 điểm?
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Cho đến cuối phiên thì dấu vết tác động ép chỉ số lao dốc và đánh mất ngưỡng 1.400 điểm không còn rõ ràng. CTG giảm 1,47%, VCB giảm 0,52%, SAB giảm 1,72%, GVR giảm 0,92%, MWG giảm 1,28% là các cổ phiếu có ảnh hưởng xấu nhất. Tuy vậy, nhiều mã biến động rất lớn trong thời gian ngắn mới là điều khiến chỉ số tuột cơ hội trụ lại trên mốc 1.400 điểm.

Ảnh hưởng điểm số lên VN-Index là liên thông và cộng hưởng giữa các mã, kể cả đang tăng hay giảm so với tham chiếu. Ví dụ, GAS là cổ phiếu tăng rất mạnh hôm nay, đóng cửa trên tham chiếu 4,02%. Thế nhưng GAS cũng là một trong những mã kéo chỉ số tuột khỏi đỉnh. GAS trượt dốc khá nhiều lúc cuối phiên, co hẹp mức tăng khoảng 1,9% so với đỉnh cao nhất. VPB cũng vậy, từ đỉnh cao tăng 4% ngay đầu phiên chiều, đã lao dốc giảm tới 3,2% so với đỉnh này, chỉ còn tăng 0,66% so với tham chiếu. Đến đợt ATC thì VPB mới được kéo tăng trở lại 2,4%.

Nếu nhìn qua lăng kính chỉ số VN30-Index thì nhóm blue-chips biến động rất nhiều. Chỉ số này đạt đỉnh cùng với VN-Index, tăng 0,85% so với tham chiếu, nhưng chiều nay suýt thủng tham chiếu, mức tăng chỉ còn 0,04%.

Cho đến cuối ngày, cổ phiếu tăng giá ở nhóm VN30 vẫn nhỉnh hơn số giảm giá, giúp các blue-chips duy trì độ phân hóa bình thường. Điều đáng tiếc chính là cơ hội tạo sự khác biệt cho chỉ số.

Giao dịch vẫn sôi động

VN-Index vượt đỉnh 1.400 điểm là mong mỏi của không ít nhà đầu tư. Tuy nhiên nếu suy xét kỹ thì cơ hội này phụ thuộc quá nhiều vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Diễn biến như hôm nay thực ra đã lặp lại nhiều lần, nhưng phiên này rõ hơn vì chỉ số có thời gian dài vượt được ngưỡng này.

Những cổ phiếu siêu lớn như VIC, VCB, VHM vẫn không cho thấy động lực tăng thật sự rõ ràng. Đặc biệt VCB và VHM hầu như chưa tăng rõ rệt những phiên gần đây nhưng mỗi khi giá tăng lên lại bị xả hàng rất nhiều. Có thể nhà đầu tư đang chán nản cơ cấu lại danh mục, thoát khỏi những cổ phiếu trì trệ để đổ tiền vào các mã có cơ hội lợi nhuận rõ hơn.

VN-Index bị ảnh hưởng lớn từ các cổ phiếu trụ, nhưng thị trường không phải là xấu. Cổ phiếu tăng giá rất nhiều và trạng thái phân hóa bình thường đang diễn ra. Nhà đầu tư vẫn có cơ hội lợi nhuận tốt nếu chọn được cổ phiếu mạnh.

Mặt khác giao dịch vẫn rất sôi động khi dòng tiền vào thị trường ở mức cao. Hôm nay tổng giá trị giao dịch HSX và HNX lên tới gần 26,5 ngàn tỷ đồng, cao nhất kể từ phiên ngày 21/9 vừa qua. Mức khớp lệnh cũng vượt 25,2 ngàn tỷ đồng, một con số đáng chú ý khi mức bình quân cao nhất 5 tuần trở lại đây cũng chỉ hơn 23 ngàn tỷ đồng.

Điều này nghĩa là nhà đầu tư vẫn đang cuốn vào giao dịch. VN-Index vượt đỉnh lịch sử thì có thể tạo cơn địa chấn, nhưng nếu không thành công thì cũng vẫn có cơ hội ở cổ phiếu cụ thể.

Lại thất bại, vì sao VN-Index chưa thể vượt 1.400 điểm?

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

22.454 tỷ đồng (+10%)

764 triệu (+3%)

2.764 tỷ đồng (+10%)

122,5 triệu (+7%)