họp công bố luật

Toàn cảnh buổi họp báo.

Đồng thời bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2016.

Cụ thể, Nghị quyết số 144 thông qua ngày 29/6/2016 của Quốc hội khoá XIII nêu rõ, quyết định bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khoá XIV tại kỳ họp thứ 2.

Cùng với đó, lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam từ ngày 1/7/2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12), Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11, Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP của Chính phủ) cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.

Mặc dù toàn bộ Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành nhưng nhà nước vẫn thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7. Nhà nước cũng tiếp tục áp dụng các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109 năm 2015 của Quốc hội.

Các quy định khác tại Nghị quyết số 109 năm 2015 về việc thi hành Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 110 về thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự có ghi thời điểm ngày 1/7 năm nay được lùi đến thời điểm ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành.

Nghị quyết cũng giao Toà án Nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành việc thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội; UBTVQH, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30/6/2016.

Trả lời báo chí về những sai sót trong thi hành Bộ luật Hình sự 2015, ông Nguyễn Văn Luật - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, sau khi nhận được các ý kiến phản ánh của cử tri và nhất là các cơ quan tư pháp báo cáo về có sai sót, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp và nhiều cơ quan rà soát để tập hợp các sai sót. Trên cơ sở báo cáo, những sai sót chủ yếu về lỗi kỹ thuật, còn chủ trương của Đảng và Nhà nước về luật hình sự thì không sai, nhưng những lỗi kia sẽ ảnh hưởng đến việc thi hành, áp dụng...

Ông Luật cho biết thêm, do thời gian rất gấp nên UBTVQH chọn phương án báo cáo với các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thông qua từng đoàn ĐBQH, họp lại bàn, thảo luận tờ trình, xem xét danh sách các vị ĐBQH trong ban kiểm phiếu và các vị ĐBQH biểu quyết: Tán thành, không tán thành, không biểu quyết rồi đưa vào phong bì gửi về cho UBTVQH tại Ba Đình (hình thức bỏ phiếu kín) với quy trình chặt chẽ.

Về những sai sót của Bộ Luật Hình sự, hiện vẫn đang được rà soát với tinh thần không thể để xảy ra trường hợp trình Quốc hội khoá XIV mà vẫn để xảy ra sai sót.

Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của Quốc hội và trong đó có trách nhiệm cá nhân. "Tôi thấy có lỗi với cử tri trong việc này". Đồng thời tới đây cũng sẽ tiếp tục làm rõ trách nhiệm trực tiếp, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan liên quan, nhất là cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra./.

Hồng Quyên