Ngân hàng thận trọng trước rủi ro nợ xấu có thể gia tăng

Nguy cơ nợ xấu gia tăng

Theo số liệu của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đến cuối tháng 2/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,91% (tăng so với mức 2,6% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2% vào cuối năm 2022).

Đánh giá chung về bối cảnh hiện nay, VNBA cho biết, các doanh nghiệp vay vốn gặp nhiều khó khăn, nên khả năng hấp thụ vốn thấp, dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm lại. Tính đến cuối tháng 4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng hơn 12 triệu tỷ đồng, tương đương tăng 3,05% so với cuối năm 2022 và tăng 9,78% so với cùng kỳ. Đây là tốc độ tăng trưởng còn thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%.

Hiện nay, tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là một số khoản nợ về nguyên tắc đã trở thành nợ xấu song do được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, vấn đề kiểm soát nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn do hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng vay tiếp tục gặp khó khăn, giảm nguồn thu và khả năng trả nợ, nguy cơ phát sinh nợ xấu.

Trong khi đó, việc bán tài sản bảo đảm, đặc biệt là các khoản nợ lớn cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản đóng băng. Hiện nay, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã từng bước phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn gây ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng.

TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, mặc dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các bộ, ngành đã rất chủ động, quyết liệt ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng dự báo nợ xấu vẫn có thể còn tăng trong năm 2023 khi rủi ro tín dụng gia tăng bởi khách hàng phải chịu tác động cộng hưởng từ những rủi ro.

Những rủi ro bao gồm ảnh hưởng còn lại từ Covid-19, khó khăn trên thị trường bất động sản, đi cùng với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế khó khăn và mặt bằng lãi suất còn ở mức cao…

Thái độ thận trọng của ngân hàng

Bối cảnh khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế đang phần nào ảnh hưởng đến các ngân hàng và theo đó, các ngân hàng cũng đang phải đối diện với việc tự kiểm soát rủi ro và thái độ với các khoản vay mới vì thế cũng vẫn phải thận trọng để tránh phát sinh những khoản nợ xấu tiềm ẩn mới trong tương lai.

Theo thông tin chia sẻ mới đây của NHNN về hoạt động điều hành chính sách tiền tệ, trên cơ sở điều hành và chỉ đạo của NHNN; đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong tháng đầu năm 2023.

Lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân bằng đồng Việt Nam phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).

Tuy nhiên, NHNN cũng thừa nhận mặt bằng lãi suất vẫn còn cao do kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/GDP cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất thế giới tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023.

Trong khi đó, việc thực hiện tái cơ cấu nợ cũng được các ngân hàng triển khai thận trọng. Thông tư số 02/2023/TT-NHNN mới ban hành cuối tháng 4/2023 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khách hàng gặp khó khăn, theo đó ngân hàng chưa thu nợ khi đến hạn.

Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đảm bảo chi trả tiền gửi, làm giảm doanh số cho vay và chậm lại vòng quay vốn trong nền kinh tế và việc này cũng gây áp lực trở lại lên khả năng cân đối vốn và dư địa giảm lãi suất.

NHNN cũng cho biết, hiện tại hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nâng cấp chuẩn mực quản trị điều hành theo thông lệ quốc tế… Áp lực lạm phát hiện hữu, tiểm ẩn, khiến người dân kỳ vọng lãi suất thực dương nên tổ chức tín dụng khó giảm lãi suất để đảm bảo khả năng thu hút tiền gửi, khiến chi phí đầu vào của ngân hàng ở mức cao.

Theo số liệu của NHNN, huy động vốn đến cuối tháng 4/2023 chỉ tăng 1,78%, tốc độ tăng trưởng này mới chỉ bằng gần 50% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Đây cũng là một con số cho thấy ngân hàng cũng chưa thể cho vay ra mạnh tay vì còn phải cân đối các yếu tố nguồn vốn đầu vào, đầu ra.

Ngân hàng vẫn phải thực hiện các biện pháp dự phòng rủi ro

Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn phải đánh giá, phân loại, cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.

Theo quy định tại Thông tư 02, các tổ chức tín dụng phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Ngoài ra, các ngân hàng cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.