Đó là ý kiến nhận định của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn Diễn đàn Mua bán - Sáp nhập Việt Nam 2015 (M&A Vietnam Forum 2015) khi trao đổi với PV TBTCVN về xu hướng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong thời gian tới đây.

PV: Năm 2015, chủ đề của Diễn đàn M&A là “Chờ đón sự bùng nổ”, xin ông cho biết sự bùng nổ đó sẽ đến từ đâu và sẽ đến như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Có rất nhiều lý do để “Chờ đón sự bùng nổ”. Thứ nhất là nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và chúng ta đã nhận thấy tốc độ tăng trưởng GDP hiện đang nhanh hơn rất nhiều so với những năm gần đây. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP năm nay có khả năng tăng cao hơn mức kế hoạch đã đề ra là 6,2%. Các nhà đầu tư rất trông đợi vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta.

Khi đã nói đến “Chờ đón sự bùng nổ” thì theo ước tính và dự báo của các chuyên gia, chắc chắn thị trường M&A năm 2015 sẽ vượt con số hơn 4 tỷ USD năm trước.

Ts nguyen anh tuan

Ông Nguyễn Anh Tuấn

Thứ hai, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù, mục tiêu của Chính phủ đề ra cho đến thời điểm này chưa đạt, tiến độ triển khai còn chậm nhưng rất nhiều DN lớn cũng đã đang trong quá trình cổ phần hóa, hoạt động IPO của các DN tạo nên nguồn hàng rất lớn cho thị trường. Đặc biệt là một số tập đoàn lớn hoạt động trong các lĩnh vực như vận tải (vận tải hàng không, vận tải biển), tiêu dùng và sản xuất công nghiệp…

Trong đó, điển hình như Vietnam Airline, trước đây không ai có thể nghĩ đến câu chuyện là đơn vị này sẽ cổ phần hóa, song đến giờ họ đã làm được. Cũng phải nói là sự trông đợi của các nhà đầu tư đối với vận tải hàng không và vận tải biển hay là những lĩnh vực đầu tư có điều kiện là rất lớn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, quá trình chào bán như thế nào để có thể có được các cổ đông chiến lược lại phụ thuộc vào cách làm của chúng ta.

Yếu tố thứ ba để thúc đẩy thị trường là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của các tập đoàn tư nhân trong nước. Sau một quá trình tích tụ vốn, tích lũy kinh nghiệm, khu vực DN này đang cho chúng ta chứng kiến những dàn đầu tư rất lớn.

Hiện nay, M&A đang diễn ra mạnh mẽ giữa DN Việt Nam – DN Việt Nam, DN tư nhân mua lại DNNN cổ phần hóa và ngược lại, DN Việt Nam – DN nước ngoài, DN nước ngoài - DN FDI tại Việt Nam…Trong đó, sự tham gia của các tập đoàn tư nhân của Việt Nam với sức mạnh của mình đã và đang trở thành những đối tượng tích cực, hứa hẹn sự bùng nổ của thị trường này.

Thứ tư, Việt Nam đang hội nhập rất sâu rộng với thế giới, đặc biệt là thị trường chung ASEAN và việc ký kết các FTA là những yếu tố rất quan trọng, làm cho quá trình quốc tế hóa, hội nhập hóa được đẩy nhanh. Đây là các thế hệ thương mại, hiệp định tự do theo đời mới, tạo ra sự ràng buộc và sự trung chuyển về nguồn lực, vốn, lao động… Đặc biệt, đây là cơ hội tuyệt vời để thu hút nguồn vốn cho thị trường tài chính Việt Nam.

PV: Vậy theo ông, để sự bùng nổ các thương vụ M&A trong thời gian tới sẽ tác động tích cực, đem đến luồng sinh khí mới cho nền kinh tế như chúng ta kỳ vọng thì cần phải có những giải pháp như thế nào?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta cần nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các luật mới ban hành, nhất là Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Doanh nghiệp sửa đổi để làm sao không còn những khúc mắc trong quá trình triển khai, thể hiện được triệt để tư tưởng tiến bộ trong các luật mới.

M&A

Thị trường M&A 2015 - 2016 hứa hẹn những cái bắt tay lớn của ngành bán lẻ. Ảnh: TL

Trong đó, có một việc rất quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài đó là phải tổng hợp lại tất cả lĩnh vực đầu tư có điều kiện được mở cửa theo các cam kết với WTO và các cam kết quốc tế khác.

Nghị định 60 của Chính phủ về việc nới room cần phải có thông tư hướng dẫn nhanh chóng, vì hiện các nhà đầu tư đang rất trông đợi. Về chủ trương là như vậy nhưng theo cam kết quốc tế như thế nào và những lĩnh vực nào được nới room, nới room bao nhiêu %...?

Trong đó, đặc biệt là những lĩnh vực đầu tư có điều kiện như tài chính ngân hàng, vận tải biển, vận tải hàng không… được “mở” đến bao nhiêu % là câu chuyện vô cùng quan trọng đối với các nhà đầu tư. Chỉ khi có những hướng dẫn cụ thể thì các thương vụ M&A mới có thể thực thi.

Bên cạnh đó, còn một số yếu tố khác phụ thuộc vào chúng ta và cũng sẽ có ảnh hưởng rất lớn như khả năng để chuẩn bị các phương án IPO của các DNNN. Đây là lĩnh vực đòi hỏi phải có kiến thức, kinh nghiệm và kể cả cách làm.

PV: Theo ông, trong năm nay và năm tới, lĩnh vực nào sẽ dẫn dắt thị trường M&A?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Lĩnh vực bán lẻ là lĩnh vực đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ và được dự đoán sẽ dẫn dắt thị trường M&A trong thời gian tới. Vì trước đây, nó là một lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, khi chúng ta “mở” lĩnh vực này ra thì đương nhiên sẽ là cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, chúng ta thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận thấy sự thay đổi khá lớn trong văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, nhất là đối với giới trẻ. Từ văn hóa mua sắm, tiêu dùng đến du lịch, nhà hàng…Thị trường đã ghi nhận sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu bán lẻ trong thời gian gần đây.

Vì vậy, bán lẻ là lĩnh vực mà trong những năm tới đây hứa hẹn sẽ thu hút sự đầu tư rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, có một số lĩnh vực khác cũng sẽ diễn ra sôi động như giao thông vận tải, sản xuất, du lịch, khách sạn, bất động sản…

PV: Năm ngoái, giá trị các thương vụ M&A đạt hơn 4 tỷ USD, vậy con số năm nay được dự đoán sẽ là bao nhiêu, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Khi đã nói đến “Chờ đón sự bùng nổ” thì theo ước tính và dự báo của các chuyên gia, chắc chắn thị trường M&A năm nay sẽ cao hơn năm trước.

Có một số lĩnh vực hiện có những dự án, thương vụ đang được chuyển đổi với quy mô rất lớn. Bên cạnh đó, còn có một số thương vụ của năm 2014 đàm phán chưa thành công, trong đó có những thương vụ lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ…Nếu như các thương vụ này được tiếp tục đàm phán và thành công thì sẽ đưa quy mô thị trường M&A 2015 đến một con số ấn tượng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tố Uyên