Trong những tháng đầu năm 2024, nguồn cung các hàng hóa trên thị trường cả nước được bảo đảm, đồng thời, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa đưa ra nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn để kích cầu tiêu dùng của người dân.

Giá một số hàng hóa nhóm lương thực, thực phẩm tương đối ổn định nhờ nguồn cung dồi dào, riêng giá lợn hơi tăng nhẹ. Các mặt hàng như đường, thức ăn chăn nuôi, nhóm nhiêu liệu, năng lượng tăng, giảm đan xen do ảnh hưởng của giá thế giới.

Với tình hình nêu trên, Bộ Công thương ghi nhận, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 4/2024 ước đạt 522,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,3%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 12,9%; may mặc tăng 12,7%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 19,1%; du lịch lữ hành tăng 57,6%.

Bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 2.000 tỷ đồng, tăng 8,5%
Du khách nước ngoài tham quan hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Hải Anh

Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 13,3%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 8,7%).

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 1.594,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,3% tổng mức và tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,4%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 14,9%; may mặc tăng 10,3%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 0,1%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 17,8%.

Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa của một số địa phương tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Quảng Ninh tăng 9,6%; Hải Phòng tăng 9,4%; Cần Thơ tăng 7,8%; Bình Dương tăng 7,7%; Đồng Nai tăng 6,9%; Đà Nẵng tăng 6,8%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,4%; Hà Nội tăng 5,3%.