Nhà đầu tư rút số tiền kỷ lục từ các quỹ ETF theo dõi cổ phiếu các quốc gia vùng Vịnh
Giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Saudi, ở Riyadh, Ả Rập Saudi. Ảnh: Reuters/Ahmed Yosri

Dòng vốn rút ròng kỷ lục

Dữ liệu LSEG cho thấy, iShares MSCI Saudi Arabia ETF đã chứng kiến ​​dòng vốn rút ròng kỷ lục trong tháng 10 với hơn 200 triệu USD, giảm 20% so với mức nắm giữ vào đầu tháng.

Các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) cung cấp khả năng tiếp cận cổ phiếu ở Qatar, UAE và Israel cũng bị dòng vốn chảy ra, khiến các nhà đầu tư lo lắng về sự bất ổn và dòng tiền đã bị tắt trong tháng này.

Torbjorn Soltvedt - nhà phân tích chính khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Verisk Maplecroft cho biết: “Dòng vốn thoái có thể khá tuỳ tiện”. Ông nói thêm: “Nó không nhất thiết phải dựa trên 100% các nguyên tắc cơ bản của mỗi quốc gia. Rõ ràng là ngay bây giờ, người ta nhận thấy rủi ro đang gia tăng trên toàn khu vực. Chúng tôi cũng đang thấy tác động tiêu cực từ đó”.

iShares MSCI Qatar ETF đã mất 7,7 triệu USD trong tháng 10, trong khi iShares MSCI UAE ETF bị rút 2,75 triệu USD.

Các quỹ giao dịch trao đổi theo dõi Israel như iShares MSCI Israel ETF, ARK Israel Innovative Technology ETF và BlueStar Israel Technology đã chứng kiến ​​dòng vốn chảy ròng từ 2,5 triệu đến 9,3 triệu USD kể từ cuộc tấn công của phiến quân Hamas ngày 7/10.

Trước đó vào cuối tháng 7, Chính phủ Israel đã thông qua dự luật về cải tổ tư pháp nhằm mục đích ủng hộ cơ quan hành pháp của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.

Động thái này đã gây ra các cuộc biểu tình rộng khắp; đồng Shekel đã giảm hơn 2% so với đồng Đô la trong những ngày kế tiếp và giảm hơn 9% kể từ khi kế hoạch lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 1.

Thị trường chứng khoán Israel cũng hoạt động kém hiệu quả trong bối cảnh bất ổn, với chỉ số Israel của MSCI tụt hậu so với các chỉ số chứng khoán chính toàn cầu, chẳng hạn như MSCI All Country World, khoảng 14% do các nhà đầu tư trong nước tránh xa thị trường.

Dòng tiền chảy ra từ các quỹ ETF theo dõi các quốc gia vùng Vịnh vượt xa dòng tiền từ hầu hết các thị trường mới nổi trong cùng thời điểm, trong khi dòng tiền chảy ra từ Israel cũng trên mức trung bình.

Cuộc xung đột giữa Israel với Hamas là lần thứ hai thị trường Israel phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong năm nay, sau khi hậu quả trước đó từ các cuộc cải cách tư pháp của chính phủ đã gia tăng áp lực lên họ.

Natalia Gurushina - kinh tế trưởng phụ trách các thị trường mới nổi của VanEck cho biết, tình trạng hỗn loạn mới nhất đã khiến dòng vốn chảy ra tăng thêm. Gurushina nói: “Từ góc độ cơ cấu, Israel là một nơi an toàn và hấp dẫn đối với những dòng vốn đầu tư vào công nghệ, đó là một trong những lý do khiến các cơ quan xếp hạng trước đây đã cân nhắc việc hạ mức xếp hạng”. Bà cho biết thêm, những lo ngại đó “sẽ không sớm thuyên giảm”.

Tuy nhiên, các quỹ ETF theo dõi khu vực cũng đã phục hồi sau những tổn thất phát sinh ngay sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công vào Israel vào ngày 7/10.

Khả năng phục hồi rộng

Dòng tiền tháo chạy khỏi các quỹ ETF chỉ ra sự rạn nứt trong niềm tin của nhà đầu tư vào những thị trường vốn có khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Israel đã bù đắp được khoản lỗ bằng đồng Shekel và trái phiếu của nước này đã phục hồi. Trái phiếu ở hầu hết các nước vùng Vịnh ít bị ảnh hưởng bởi xung đột.

Nhà đầu tư rút số tiền kỷ lục từ các quỹ ETF theo dõi cổ phiếu các quốc gia vùng Vịnh
Tòa nhà Ngân hàng Israel ở Jerusalem. Ảnh: Rauters/Ronen Zvulun

Sergey Dergachev - nhà quản lý danh mục đầu tư của Union Investment lưu ý, tình trạng hỗn loạn không làm chậm hoạt động phát hành mới ở vùng Vịnh, nhìn từ Quỹ đầu tư công của Ả Rập Saudi.

Ông nói: “Thật thú vị khi quan sát và bạn không thấy bất kỳ mối lo ngại lớn nào về nguy cơ lây lan”, đồng thời lưu ý không có hoạt động bán nợ doanh nghiệp nào từ Israel kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Các nhà đầu tư cho biết gần như tất cả các nền kinh tế chính của khu vực đều đủ mạnh để vượt qua một số bất ổn. Israel có lượng dự trữ gần 200 tỷ USD và các quốc gia vùng Vịnh đang được hỗ trợ nhờ giá dầu cùng giá khí đốt tăng cao.

Tuy nhiên, dòng tiền tháo chạy của nhà đầu tư cổ phiếu nêu bật rủi ro vẫn còn nghiêm trọng đối với các nền kinh tế này và nỗ lực đa dạng hóa của họ khi khu vực rơi vào xung đột.

Soltvedt của Maplecroft nói rằng, xung đột tiếp diễn có thể làm suy yếu những nỗ lực của Ả rập Saudi nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào dầu mỏ, trong khi Dergachev và các nhà đầu tư khác cho biết thời gian kéo dài của cuộc xung đột - và mức độ thiệt hại nặng nề của nó đối với các doanh nghiệp và đầu tư của Israel - có thể tàn phá thêm nền kinh tế của nước này.

Các nhà xuất khẩu dầu hàng đầu Ả Rập Saudi và Nga tuần trước xác nhận rằng họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện bổ sung cho đến cuối năm nay do lo ngại về nhu cầu và tăng trưởng kinh tế tiếp tục kéo thị trường dầu thô.

OPEC+, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh bao gồm Nga, sẽ nhóm họp vào ngày 26/11.

Về phía cung, các công ty năng lượng Mỹ đã cắt giảm số lượng giàn khoan dầu hoạt động tuần thứ hai liên tiếp xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2022, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes cho biết. Số lượng giàn khoan chỉ ra sản lượng trong tương lai.

Dergachev nói: “Đối với Israel, câu hỏi lớn là điều gì sẽ xảy ra sau đó? Điều này không thực sự được tính đến”.

Thị trường có thực sự vượt qua nỗi sợ hãi?

Khi cuộc xung đột Hamas - Israel xảy ra vào ngày 7/10 , thị trường thế giới ngay lập tức chao đảo, giá dầu tăng vọt đã đảo chiều. Tuy nhiên giữa tuần trước, Israel hôm đã đồng ý tạm dừng các hoạt động ở phía bắc Gaza trong bốn giờ một ngày, nhưng rủi ro vẫn còn và giao dịch mạnh mẽ ở một loạt các loại tài sản từ kho vũ khí đến bảo hiểm nợ Trung Đông cho thấy, thị trường vẫn chưa thoát khỏi nỗi sợ hãi.

Theo các nhà phân tích thị trường, khả năng phục hồi của trái phiếu doanh nghiệp, vốn đã bị thử thách bởi lãi suất tăng mạnh và tốc độ tăng trưởng chậm lại, có thể bị thách thức hơn nữa nếu dầu tăng trở lại - đặc biệt là ở một châu Âu phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng.

Trong phiên giao dịch ngày 13/11, giá dầu đã giảm, đảo ngược đà tăng vào thứ sáu tuần trước, do những lo ngại mới về nhu cầu suy yếu ở Mỹ và Trung Quốc.

Giá dầu thô Brent kỳ hạn tháng 1 giảm 35 cent, tương đương 0,4%, ở mức 81,08 USD/thùng lúc 00:51 GMT, trong khi giá dầu thô WTI kỳ hạn tháng 12 của Mỹ ở mức 76,82 USD, giảm 35 cent, tương đương 0,5%.

Cả hai loại dầu chuẩn này đều tăng gần 2% vào thứ sáu tuần trước khi Iraq lên tiếng ủng hộ việc cắt giảm dầu của OPEC+, nhưng mất khoảng 4% trong tuần, ghi nhận mức giảm hàng tuần thứ ba lần đầu tiên kể từ tháng 5.

Hiroyuki Kikukawa - Chủ tịch NS Trading, một đơn vị của Nissan Securities, cho biết: “Các nhà đầu tư tập trung hơn vào nhu cầu chậm lại ở Mỹ và Trung Quốc trong khi lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung do xung đột Israel-Hamas đã phần nào giảm bớt”./.