Họp báo

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: H.Y

Phần lớn thời gian bàn về công tác nhân sự cấp cao

Theo Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Minh Thông, trong khoảng 6 ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban; Tổng Thư ký Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước; bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách các Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh. Ngay sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Các ngày làm việc còn lại, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước gồm: Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) 6 tháng đầu năm 2016; các giải pháp 6 tháng cuối năm; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2014; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; xhương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề; Nghị quyết về một số vấn đề quan trọng (nếu có); báo cáo của Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Khác với các khóa Quốc hội trước, Quốc hội khóa XIV sẽ không tiến hành thẩm tra tư cách đại biểu và thông qua nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu tại kỳ họp đầu tiên. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã trao thẩm quyền xác nhận tư cách của người trúng cử cho Hội đồng Bầu cử quốc gia (HĐBCQG). HĐBCQG căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội, kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan người trúng cử để tiến hành xác nhận tư cách của người trúng cử, cấp giấy chứng nhận đại biểu Quốc hội khóa mới cho người trúng cử và báo cáo Quốc hội khóa mới tại kỳ họp đầu tiên.

Các đại biểu vi phạm đều là doanh nhân chỉ là “ngẫu nhiên”

Tại cuộc họp báo chiều 19/7, một vấn đề được các phóng viên đặt nhiều câu hỏi là việc HĐBCQG không xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

Về sự việc này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận “rất đáng tiếc” khi kết quả bầu cử mới được công bố thì đã có hai người trúng cử nhưng không được xác nhận tư cách đại biểu do có các vi phạm mới phát hiện. Đây là một bài học về việc chưa xác nhận kỹ càng thông tin về đại biểu. Do đó, tới đây khi sửa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ phải có chế tài chặt chẽ hơn để từ đó nâng cao chất lượng đại biểu.

Ngoài ra, trả lời đề nghị bình luận về việc cả 4 đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, không được xác nhận tư cách đại biểu trong Quốc hội khoá XIII và đầu Quốc hội khoá XIV gần đây đều là cùng là doanh nhân, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng đây chỉ là một “ngẫu nhiên”, bởi Quốc hội là đại biểu của dân, đại diện ý chí, nguyện vọng của nhân dân nên phải có đầy đủ các thành phần. (Trước đó, các doanh nhân là bà Đặng Thị Hoàng Yến, Châu Thị Thu Nga đã bị bãi nhiệm đại biểu Quốc hội khoá XIII do có các vi phạm. Sau đó, doanh nhân Nguyễn Thị Nguyệt Hường, ông Trịnh Xuân Thanh không được xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khoá XIV. Ông Trịnh Xuân Thanh cũng có xuất thân là doanh nhân).

Đại biểu Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm sự việc sai sót trong Bộ luật Hình sự

Trả lời về việc Bộ luật Hình sự phải hoãn thi hành để sửa đổi ngay trước ngày có hiệu lực, Tổng Thư ký Quốc hội khẳng định các đại biểu Quốc hội sẵn sàng nhận trách nhiệm về vấn đề này. Tuy nhiên, ông cũng cho biết những sai sót trong Bộ luật không phải do quy trình hay thủ tục chưa đúng. “Trong 107 Luật, Bộ luật được ban hành ở nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, cũng có những luật có sai sót nhưng Bộ luật Hình sự là xảy ra sai sót nhiều nhất. Chúng tôi sẽ xem xét, đánh giá thấu đáo trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan liên quan, không né tránh”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Liên quan công tác lập pháp nhiệm kỳ này, Tổng thư ký Quốc hội cho biết Quốc hội rất quan tâm đến thông điệp của Chính phủ là «chính phủ hành động, chính phủ liêm chính, chính phủ kiến tạo», đặc biệt khi vừa qua Chính phủ đã có một loạt cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp, qua đó cho thấy nhiều điều cần điều chỉnh bổ sung trong xây dựng lập pháp. Theo đó, Quốc hội sẽ chú trọng việc tạo hành lang pháp lý đầy đủ để hạn chế tiêu cực, phòng chống tham nhũng…

H.Y