BVSC cho rằng, chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong năm 2020 được đánh giá vẫn theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế với kỳ vọng sẽ giữ nguyên như mức hiện nay, thậm chí vẫn có khả năng cắt giảm thêm nếu triển vọng kinh tế suy giảm với các rủi ro gia tăng. Khả năng FED tăng lãi suất trở lại trong năm 2020 là rất thấp.

Trên cơ sở đó, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước khác được nhận định sẽ không còn cắt giảm lãi suất đồng loạt như năm 2019 mà đa phần cũng sẽ “nương theo” FED, tạm dừng tiến trình giảm lãi suất. Tuy nhiên, “một vài nền kinh tế hồi phục yếu mà dư địa còn nhiều vẫn có thể cắt giảm thêm lãi suất” – BVSC cho hay.

Riêng tại Việt Nam, BVSC nhận định, mặt bằng lãi suất năm 2020 nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối 2019. Mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn (bắt đầu từ 2020, Basel II được áp dụng cho toàn bộ hệ thống và hiện mới chỉ có khoảng 18/38 ngân hàng đạt chuẩn này), cũng như lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ 1/10/2022.

Theo công ty này, thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát. BVSC cho rằng, dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến Ngân hàng Nhà nước khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất OMO, lãi suất tín phiếu…, nhất là trong nửa đầu năm 2020. Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong nửa sau của năm 2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể./.

D.T