PVQ

ĐB Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1976). Ảnh: H.Y

* Là ĐB Quốc hội đồng thời cũng là chủ DN, ông có kỳ vọng gì về Luật Đầu tư sửa đổi lần này ?

- Theo tôi, đây là thời cơ, không dám nói là cuối cùng nhưng cũng gần cuối cùng. Nếu chúng ta không có những bước đột phá trong xây dựng và triển khai Luật Đầu tư sát với thị trường, đổi mới cùng với khu vực thì cơ hội để phát triển còn rất ít. Vì vậy, tôi kỳ vọng rất nhiều với dự luật lần này.

Luật cần phải làm rõ những chính sách hỗ trợ đầu tư để tạo đòn bẩy cho đầu tư. Ví dụ như vừa qua, tập đoàn HAGL đã đầu tư và thu lợi lớn từ nông nghiệp tại Lào, hay tập đoàn TH True Milk cũng đầu tư rất bài bản và bước đầu hiệu quả tại Nghệ An. Đó là những mô hình rất thực tế và bổ ích cho Nhà nước nghiên cứu để đưa vào chính sách, hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi tái cơ cấu nền kinh tế.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng, HAGL sang Lào đầu tư thu lãi lớn, còn ở Việt Nam thì chưa chắc, phải chăng Luật Đầu tư của ta so với Lào thì chưa bằng. Ý kiến ông thế nào?

- Tôi nghĩ rằng Lào là đất nước phát triển sau chúng ta nên có cơ chế thoáng hơn, kèm theo đó là đất đai, chi phí rẻ hơn… Tuy nhiên đó chưa phải là yếu tố quan trọng nhất, cái chính là công nghệ. HAGL và cả TH đã áp dụng những công nghệ cao của Israel nên họ đã tạo ra bước đột phá về hiệu quả. Tôi cho rằng đó là mô hình cần phải tổng kết rộng rãi. Và điều này cần bàn tay của Nhà nước.

Cách đây 7 năm, khi tiếp xúc với tập đoàn Huyndai của Hàn Quốc, tôi hỏi họ vì sao đang làm ăn có lãi thì lại dừng lại. Họ cho biết phải rút về vì Tổng thống nhận định rằng 5, 7 năm nữa tình hình tại bán đảo Triều Tiên có thể sẽ phức tạp hơn, họ phải về để tập trung hỗ trợ trong nước. Từ câu chuyện trên, tôi nghĩ rằng cần có những cơ chế để hỗ trợ cho các tập đoàn lớn của chúng ta như HAGL, FPT, Hoà Phát, Vincom… để họ mạnh lên, trở thành thương hiệu của quốc gia. Và khi nhà nước cần, thì họ cùng giúp sức. Hiện nay rõ ràng những tập đoàn nhà nước của chúng ta chậm quá. Trong khi đầu tư một dự án, như đầu tư chuyển giao công nghệ quốc phòng thì phải mất cả thập kỷ.

Từ những ví dụ thành công của các tập đoàn tư nhân lớn, tôi cho rằng không cần thiết DNNN phải đứng ra bao hết các nhiệm vụ quốc gia mà hãy hỗ trợ cho DN tư nhân hiệu quả để khi cần Nhà nước có thể sử dụng họ.

* Luật Đầu tư hiện đã mở ra cơ chế đầu tư ra nước ngoài, tuy nhiên việc đầu tư ra nước ngoài dường như còn nhiều khó khăn, ông có thấy như vậy không?

- Đi khảo sát nhiều nơi, tôi đã gặp gỡ nhiều DN Việt Nam thành công ở nước ngoài và được đánh giá cao. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải học tập người Nhật và người Hàn Quốc. Nhà nước cần hỗ trợ có tổ chức bằng mô hình Tổ chức xúc tiến đầu tư đi trước, sau đó làm việc với Chính phủ các nước đó để cùng làm với DN, phổ biến cho DN. Còn để DN tự đi thì rất tốn kém, thiếu thông tin. Nhà nước lại một lần nữa phải làm bà đỡ để hướng dẫn DN, phổ biến cho DN, tạo ra bàn đạp cho DN.

* Có một vướng mắc hiện nay là việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư còn khá khó, nhiều thủ tục. Theo ông, liệu có nên tháo gỡ các rào cản này?

- Tôi nghĩ thủ tục không phải là vấn đề, sẽ tháo gỡ được. Vấn đề là anh có làm thật hay không, dự án có khả thi không. Ngược lại, nếu chúng ta không thận trọng với việc chuyển tiền ra nước ngoài thì sẽ dễ tạo kẽ hở, bị lợi dụng để chuyển tiền ra nước ngoài, dẫn đến quản lý ngoại hối sẽ phức tạp.

* Chính vì lo ngại này mà nhiều ĐB cho rằng nên thắt chặt đầu tư ra nước ngoài. Quan điểm của ông thế nào ?

- Tôi cho rằng nên thận trọng, phải có bước đi, nhưng cũng không nên mở quá, sau này siết lại sẽ khó. Bởi vì thực ra tôi biết trong dư luận DN, họ cũng muốn chuyển tiền đi đây đó, mua nhà hay đầu tư mang tính chất cá nhân. Chúng ta đang cần ngoại tệ mà để ngoại tệ chạy đi nữa thì rất khó.

* Nhưng thực tế một số DN đầu tư ra nước ngoài đã mang về lợi nhuận lớn cho đất nước. Vậy sao chúng ta không khuyến khích thay vì thắt chặt ?

- Ở một số nước phát triển, việc chuyển đổi ngoại tệ rất thoải mái. Cũng có những nước, ngay cạnh ta như Thái Lan thì quản lý ngoại tệ rất chặt. Đây là điều cần tính toán, vì đất nước ta chưa cân đối được ngoại tệ. Chúng ta chỉ mở cửa với những người làm thật, còn với những người lợi dụng, ta phải có những rào cản kỹ thuật nhất định để giữ được ổn định ngoại tệ.

* Từ thực tế hoạt động của DN, ông thấy có những vướng mắc gì và có mong muốn gì đối với Luật Đầu tư sửa đổi ?

- Vướng mắc thì còn nhiều nên chúng tôi muốn qua lần này, Luật Đầu tư có những đột phá, để sau này thủ tục thông thoáng hơn, để hạn chế cảnh DN bị “làm luật”, bị “đánh võng”. Chúng tôi cũng hy vọng có đột phá về mặt chủ trương, để những DN nào làm ăn thật sự hiệu quả sẽ được tạo thuận lợi hết mức.

Như mô hình của Samsung, họ đầu tư theo chuỗi, rót hàng tỷ USD vào Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra hiệu quả về kinh tế, mà cả khía cạnh khác là họ sẽ có động thái bảo vệ quyền lợi của họ ở Việt Nam nếu đất nước gặp phải vấn đề gì. Tôi cho rằng, kéo được càng nhiều tập đoàn lớn như Samsung, hay tập đoàn của các nước G7, thì sẽ càng có thêm tiếng nói trên thế giới cùng bảo vệ đất nước. Đó là thế cài răng lược vừa kinh tế, vừa an ninh quốc phòng mà tôi rất quan tâm, bởi trước khi làm doanh nhân, tôi đã từng là người lính.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng Nhà nước phải thực sự là một bà đỡ, để không chỉ tạo thuận lợi cho DN, mà còn phải đi trước một bước, trải thảm đỏ cho DN. Còn về phía DN, cũng phải thừa nhận rằng tính cộng đồng của người Việt Nam nói chung và DN Việt Nam nói riêng chưa cao, so với một số nước khác. Cái đó chúng ta phải điều chỉnh, không chỉ điều chỉnh từ DN mà kể cả trong sách giáo khoa các cháu học bây giờ, cũng phải điều chỉnh. Để không phải chỉ chiến tranh chúng ta mới tập trung lực lượng còn hoà bình thì chúng ta bị phân tán, như vậy sẽ không tạo được sức mạnh.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Yến