>> Các hồ thủy điện chưa nghiêm túc thực hiện các quy định

>> 424 dự án thủy điện bị loại bỏ: Trách nhiệm thuộc về ai?

Bên lề kỳ họp Quốc hội, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đã chia sẻ với PV TBTCVN về những vấn đề liên quan đến việc quy hoạch và vận hành các công trình thủy điện.

PV: Thưa ông, tình hình lũ lụt ở miền Trung đang có hiện tượng gia tăng, gây hậu quả lớn. Theo ông, điều này có sự tác động nào từ việc vận hành các công trình thủy điện không ?

- Ông Ngô Văn Minh: Để đánh giá phải có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn. Nhưng điều dễ cảm nhận nhất là có lũ quét, lũ bất thường trong những đợt lũ lụt đã diễn ra, có những công trình thủy điện đã vỡ, gây hậu quả đến vùng hạ du. Điều này không thể bảo là không có.

Cần phải xem xét lại quy trình vận hành liên hồ. Chúng ta vận hành có quy trình, theo quy trình, nhưng quy trình đó đúng hay sai, ai thẩm định? Quá trình vận hành cần phải điều chỉnh bổ sung cho hợp lý, rồi mối quan hệ giữa các công trình, ban quản lý đối với các dự án thủy điện, đối với chính quyền địa phương, đối với ý kiến người dân thế nào. Trước khi mưa lũ, trung tâm dự báo khí tượng thủy văn đều đã có dự báo trước cả mấy ngày, có thể có độ sai lệch, nhưng hầu hết là đúng. Rõ ràng phải đoán trước việc xả nước, tích nước thế nào cho đảm bảo quy trình, hợp lý, phù hợp với thực tiễn chứ không nên nói quy trình trên giấy.

Thủy điện: Vì lợi nhuận nên bất chấp cả qui định?
Như vậy, câu hỏi lớn đặt ra là có phải các nhà đầu tư muốn “tiết kiệm” chi phí để dự án sớm đi vào vận hành, với chi phí ít nhất, thu hồi vốn nhanh nhất, có lãi nhiều nhất mà bất chấp các quy định để thực hiện các dự án thủy điện không.  ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: H.Y

Một vấn đề nữa là việc xây các công trình thủy điện mà các nhà khoa học và bản thân tôi theo dõi thấy, là hầu hết không có cửa xả đáy. Đây là một vấn đề phải được đặt ra một cách nghiêm túc. Vì sao không có cửa xả đáy, điều này có đúng quy chuẩn để xây dựng các công trình thủy điện hay không? Theo tôi điều này không đúng, vì cửa xả đáy có rất nhiều tác dụng. Không phải nhà khoa học chuyên ngành nhưng tôi biết là nếu không có cửa xả đáy, sẽ không làm sạch được lòng hồ, bùn lắng lâu ngày sẽ làm nông lòng hồ, không còn đúng thiết kế ban đầu. Thứ hai là không thể xả nước, xả lũ một cách hợp lý khi có vấn đề đối với đập thủy điện.

Rõ ràng có nhiều vấn đề, nhưng đó là 2 vấn đề tôi thấy hết sức quan trọng. Như vậy, câu hỏi lớn đặt ra là có phải các nhà đầu tư muốn “tiết kiệm” chi phí để dự án sớm đi vào vận hành, với chi phí ít nhất, thu hồi vốn nhanh nhất, có lãi nhiều nhất mà bất chấp các quy định để thực hiện các dự án thủy điện không.

PV: Theo ông, còn những bất cập nào khác từ các công trình thủy điện ảnh hưởng đến môi trường, đời sống người dân?

- Ông Ngô Văn Minh: Ngay các tiêu chí về rà soát thủy điện cũng có những bất cập. Chẳng hạn, chúng ta có tiêu chí khi rà soát thực hiện công trình thủy điện là phải trồng lại rừng, chiếm hết bao nhiêu rừng, ngập bao nhiêu rừng thì phải trồng lại chừng đó. Nhưng chỉ tiêu đó không thể nào thực hiện được.

Đất đâu mà trồng? Đã có đề xuất thay thế là nộp tiền, nhưng mức nộp bao nhiêu, tiền đó đem đi trồng rừng ở đâu, phải chỉ ra cụ thể. Tuy nhiên, giải pháp đó cũng bất cập, không thể chiếm rừng đầu nguồn thì lại trồng rừng ven biển. Cái lợi toàn cục của thủy điện thì đã rõ, nhưng cái hại của những người sinh sống ở vùng hạ du, phía trên có thủy điện, phải xử lý thế nào?

Đó là chưa kể đến việc lợi dụng làm thủy điện để tận thu rừng. Nhiều vụ án đã đem ra xét xử. Cố gắng tận thu là đúng, nhưng rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn biến thành rừng nghèo. Không chỉ diện tích được phê duyệt mà lại còn lấy sang diện tích lân cận để khai thác gỗ một cách trái phép. Như thế là hủy diệt môi trường tự nhiên, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

PV: Theo báo cáo, chúng ta đã rà soát, loại bỏ khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện. Ông đánh giá thế nào về việc này?

- Ông Ngô Văn Minh: Vừa rồi chúng ta rà soát lại quy hoạch, rà soát lại chủ trương đối với những dự án công trình thủy điện. Dù mới chỉ là bước đầu nhưng tôi nghĩ động thái này đã cảnh báo một điều là chúng ta quản lý quy hoạch chưa tốt, tổ chức thực hiện chủ trương không đạt mục tiêu đề ra.

Quy hoạch thủy điện phải đặt mục tiêu tổng hợp. Mục tiêu đầu tiên là góp phần cung cấp điện cho quốc gia, mục tiêu thứ 2 là ngăn lũ, chặn lũ trong mùa mưa và cấp nước trong mùa kiệt, góp phần vào sự ổn định phát triển dân cư trong vùng, môi trường sinh thái và các điều kiện kinh tế xã hội. Các dự án thủy điện bị loại ra là không đạt chỉ tiêu đó.

Điều này cũng xuất phải từ chủ trương. Chủ trương đúng, nếu đạt được các mục tiêu thì rất tốt nhưng không đạt được, rõ ràng là chủ trương không đúng, thì trước hết phải xử lý người ra chủ trương thế nào. Hiện nay pháp luật của chúng ta chưa nói rõ vấn đề này và chưa có chế tài cụ thể. Tới đây khi xem xét Luật Đầu tư công, trong đó có những điều khoản nói về người quyết định chủ trương đầu tư, dự án công trình, cần phải liên hệ với việc này.

PV: Từ việc loại bỏ các công trình thủy điện, theo ông trách nhiệm do đâu ?

- Ông Ngô Văn Minh: Nếu DN sai thì họ phải chịu trách nhiệm. Nếu người ra quyết định sai thì phải người ra quyết định phải chịu trách nhiệm. Chúng ta không quá đao to búa lớn, nhưng đây là một trong những nghịch lý, bất cập, cần phải xử lý. Tất nhiên, những khó khăn có thể xảy ra, nguyên nhân khách quan thì chúng ta còn có thể chấp nhận được, còn nguyên nhân chủ quan, không thể lúc nào cũng bảo là do trình độ năng lực yếu kém, hạn chế, do dự báo không chính xác,… Điều đó cần phải được xem xét thấu đáo để xử lý trách nhiệm cho đúng.

Qua vấn đề này, tôi nghĩ nếu không có tiếng nói từ các cơ quan ngôn luận, tham gia vào quá trình giám sát, tiếng nói từ cử tri nhân dân và nhất là những ý kiến đó được nêu lên tại diễn đàn Quốc hội nhiều lần, thì Chình phủ cũng chưa chắc có động thái mạnh mẽ quyết liệt như lần này, các địa phương cũng chưa quyết liệt như này, và khi đó hậu quả sẽ lớn hơn nhiều.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Hoàng Yến