xk

Tận dụng triệt để các FTA là chìa khóa để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nước ta. Ảnh: TL

Thị trường đã ký hiệp định: Một số mặt hàng thế mạnh tăng trưởng cao

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang nhiều quốc gia mà Việt Nam đã ký kết FTA đều tăng mạnh trong thời gian qua, nhất là các thị trường nội khối các nước tham gia FTA, như: Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA)... Nhờ đó, trong khi xuất khẩu nhìn chung đang có xu hướng suy giảm do ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, thì kim ngạch một số mặt hàng vẫn tăng trưởng rất khả quan.

Điển hình như xuất khẩu tôm - sản phẩm chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản nước ta, đang có mức tăng trưởng mạnh mẽ tại các thị trường có FTA.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 7/2021, xuất khẩu tôm đạt 2,1 tỷ USD, tăng 14%. Trong đó, xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường như CPTPP, EVFTA, Mỹ… đều tăng 2 con số từ 15 - 34%, nhờ được ưu đãi thuế quan.

Cụ thể, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hiện CPTPP là khối thị trường xuất khẩu lớn nhất của tôm Việt (chiếm 27%) với giá trị đạt gần 582 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 6,3%, sang thị trường Australia tăng mạnh 75%...

Bên cạnh đó, tận dụng hiệu quả EVFTA, xuất khẩu tôm sang EU trong 7 tháng đầu năm nay, cũng đạt hơn 320 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại 3 thị trường chính là Đức, Hà Lan và Bỉ đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số.

Bên cạnh tôm, một số mặt hàng nông sản khác cũng có mức tăng trưởng cao tại các thị trường nội khối FTA. Điển hình, hàng rau quả xuất vào Australia 7 tháng tăng 45,06% so với cùng kỳ, đạt 46,5 triệu USD; gạo xuất khẩu ghi nhận con số ấn tượng với mức tăng 37%, đạt 13,2 triệu USD; chè tăng 62,1% về lượng và tăng 85% về trị giá...

Ngoài ra, gỗ cũng là mặt hàng hưởng rất nhiều lợi ích ưu đãi thuế quan từ các FTA và tận dụng hiệu quả các hiệp định này. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 9,58 tỷ USD, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó mức tăng ghi nhận cao tại thị trường EVFTA. Mặc dù, trong nửa đầu tháng 8 vừa qua, tuy xuất khẩu gỗ giảm nhẹ, song Bộ Công thương dự báo sẽ tăng mạnh trong cuối năm nay khi nền kinh tế các quốc gia thuộc châu Âu, châu Úc khởi sắc. Nhờ đó, dự đoán kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ cả năm ước đạt khoảng 15 - 16 tỷ USD, vượt mục tiêu đặt ra từ đầu năm là khoảng 14,5 tỷ USD hoàn toàn khả thi.

Tận dụng FTA - “Chìa khóa” để tăng trưởng xuất khẩu bền vững

Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi bằng các điều kiện khắt khe hơn đối với hàng hóa, tăng sử dụng công vụ phòng vệ thương mại và đặc biệt là đại dịch vẫn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng, tận dụng triệt để các FTA là "chìa khóa" để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nước ta.

Được biết, hiện Việt Nam đã thực thi 11 FTA. Nhưng theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ xét riêng trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, tỷ lệ tận dụng được các ưu đãi thuế quan trung bình chỉ khoảng 30 - 35%.

Còn theo Bộ Công thương, các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP, UKFTA... đang dần thực thi một cách toàn diện và hiệu quả hơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng Việt thâm nhập sâu hơn vào các thị trường nội khối, thông qua đó thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng.

Do đó, từ nay đến cuối năm để cứu vãn đà suy giảm xuất khẩu do ảnh hưởng của đại dịch, Bộ Công thương sẽ có giải pháp củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng vào các thị trường nhỏ và thị trường ngách.

Song song với đó, theo bộ này, doanh nghiệp cần chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, xây dựng các chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất. Đặc biệt, trong quá trình thực thi hiệp định, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về sản phẩm, lao động, bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp nên tìm nhà cung ứng từ các thị trường có FTA để tận dụng ưu đãi.

Còn theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cũng cần tăng cường cải cách thể chế, ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhanh chóng, thuận tiện, hoàn thiện khung pháp lý, xử lý các vấn đề vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện... nhằm hỗ trợ tối đa để doanh nghiệp thực thi các FTA hiệu quả hơn. Đồng thời, kết quả thực thi các FTA cần được định kỳ thống kê, so sánh với các dự báo đánh giá thời điểm phê chuẩn, so sánh với kế hoạch tổng thể thực thi, nhận diện bất cập, nguyên nhân và các giải pháp xử lý.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang căng mình vượt qua đại dịch như hiện nay, nước ta cần tập trung thực hiện giải pháp cải thiện các nút thắt các gói hỗ trợ, khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như các chính sách ưu đãi, nhất là về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực… không để doanh nghiệp bị gián đoạn sản xuất và xuất khẩu./.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ.)

Tố Uyên