Ngân hàng tìm giải pháp thúc đẩy tín dụng, lãi suất liên ngân hàng vọt tăng mạnh CIEMB 2023: Tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững Tăng trưởng có dấu hiệu “hụt hơi”, Việt Nam cần những hành động cụ thể

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của nền kinh tế, qua nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân mới đây đã tổng hợp thành 19 kiến nghị liên quan đến 5 vấn đề quan trọng của kinh tế đất nước.

Đó là các kiến nghị theo 5 chủ đề: thuế suất tối thiểu toàn cầu và tác động đến FDI; phục hồi và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững nền kinh tế; thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng; nhận diện bất cập và khuyến nghị chính sách phát triển thị trường bất động sản Việt Nam.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị 5 vấn đề quan trọng về kinh tế

Trong đó, ở chủ đề thuế tối thiểu toàn cầu, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất các kiến nghị về đánh giá toàn diện và sâu sắc về việc thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu và tác động đến FDI; về thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu tăng thêm khi thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu.

Về chủ đề phục hồi và ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các kiến nghị tập trung vào việc xem xét, đánh giá một số quy định hiện hành nhằm tháo gỡ những rào cản, khó khăn về mặt pháp lý đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; tăng cường trách nhiệm các bên liên quan nhằm minh bạch hóa thị trường trái phiếu doanh nghiệp; hoàn thiện công tác vận hành hệ thống giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý; xây dựng, triển khai các chính sách và phương án hỗ trợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Về thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu, có 4 nhóm kiến nghị được đề xuất liên quan đến: chuyển đổi tư duy và tiếp cận về mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa và bền vững; lồng ghép các chương trình, dự án về tăng trưởng thích ứng với khí hậu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển quốc gia, địa phương và ngành…

Liên quan đến chủ đề đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng an toàn, lành mạnh nhằm hỗ trợ tăng trưởng, các kiến nghị của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân là Ngân hàng Nhà nước sớm bỏ công cụ hạn mức tín dụng vì can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, không phù hợp với thông lệ quốc tế, không phù hợp với quy định pháp luật, đây là cơ chế hành chính, có tính chất xin cho…

Một kiến nghị khác là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm từ 0,5 - 1,0% các mức lãi suất điều hành trong năm 2024. Đồng thời để hỗ trợ cho giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nên giảm từ 0,5% - 1,0% tỷ lệ dự trữ bắt buộc, sẽ có tác dụng giải phóng 60.000 - 130.000 tỷ đồng để các tổ chức tín dụng có điều kiện cho vay đối với nền kinh tế.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị 5 vấn đề quan trọng về kinh tế

Bên cạnh đó là các kiến nghị về đẩy mạnh tái cơ cấu và phát triển hệ thống ngân hàng theo hướng số hóa, an toàn và lành mạnh. Trong đó bao gồm xử lý triệt để vấn đề sở hữu chéo trong các ngân hàng thương mại cổ phần và doanh nghiệp sân sau, chấm dứt việc cho vay tập trung vào doanh nghiệp, dự án sân sau của tập đoàn…. Với 15/35 ngân hàng chưa đảm bảo được tỷ lệ CAR theo Basel II cần thực hiện ngay càng sớm càng tốt, hoặc lựa chọn tự nguyện sáp nhập với các ngân hàng lớn hơn đã áp dụng Basel II…

Đối với thị trường bất động sản, các kiến nghị tập trung vào 4 nhóm giải pháp trọng tâm gồm: Hoàn thiện thể chế và khung khổ pháp lý; đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hàng hóa bất động sản, giải quyết tình trạng “lệch pha cung cầu; hơi thông các dòng vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn trong dài hạn cho thị trường bất động sản…

Là một trường trọng điểm quốc gia, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã đặt mục tiêu phát triển trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu, trường đại học đa ngành có uy tín, đạt chất lượng đẳng cấp khu vực và quốc tế. Thời gian qua, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tập hợp các nhà khoa học hàng đầu thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, tổ chức hội thảo và chắt lọc thành các kiến nghị gửi đến Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các bộ ban ngành Trung ương, góp phần vào quá trình xây dựng chiến lược và chính sách phát triển kinh tế xã hội của đất nước cũng như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp.