Khắc phục hạn chế trong hoạt động thương mại biên giới

Theo Bộ Công thương, hoạt động thương mại biên giới trong những năm gần đây đã có bước phát triển tốt, đóng góp đáng kể trong thương mại song phương của Việt Nam với các nước có chung biên giới.

Sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP về thương mại biên giới-Ưu tiên xuất nhập khẩu chính ngạch
Sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP về thương mại biên giới - Ưu tiên xuất nhập khẩu chính ngạch. Ảnh: TL
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP, bên cạnh những đóng góp tích cực, một số quy định của nghị định cần phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; đáp ứng yêu cầu phát triển của tình hình thực tế; khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu vẫn còn diễn ra khi vào thời điểm thu hoạch chính vụ hoặc vào các dịp lễ, tết; thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới chuyển dần từ “tiểu ngạch” sang “chính ngạch”.

Việc triển khai Nghị định số 14/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới đã tạo ra sự thông thoáng trong thực hiện các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân, doanh nghiệp và cư dân mua bán, trao đổi hàng hóa ở khu vực biên giới, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới hiệu quả.

Tuy nhiên, theo Bộ Công thương sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị định số 14/2018/NĐ-CP đã phát sinh một số tồn tại khó khăn, vướng mắc trong hoạt động thương mại biên giới.

Hoạt động thương mại khu vực biên giới tuy có tăng trưởng qua các năm nhưng nhìn chung chưa thật sự sôi động, quy mô còn hạn chế, mặt hàng xuất nhập khẩu chưa phong phú, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Khu vực cửa khẩu biên giới một số nơi chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Việc huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu còn hạn chế, tiến độ xây dựng còn chậm.

Một số quy định hiện nay được đánh giá là không còn phù hợp hoặc không theo kịp tình hình phát triển thương mại biên giới trong thực tế cũng như chính sách, định hướng quản lý biên giới, phát triển xuất nhập khẩu nói chung hiện nay...

Để giải quyết các khó khăn, tồn tại nêu trên nhằm đưa hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa của cư dân biên giới về đúng bản chất của trao đổi cư dân, không cho phép lợi dụng hình thức trao đổi cư dân để buôn bán lớn; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức thương mại chính ngạch, khắc phục tình trạng ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới, Bộ Công thương nhận thấy sự cần thiết xây dựng và xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP.

Giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá

Theo Bộ Công thương, dự thảo nghị định, sửa đổi, bổ sung một số điểm quan trọng, điển hình như khoản 3 Điều 3 theo hướng điều chỉnh phạm vi đối tượng cư dân biên giới áp dụng theo Nghị định số 14/2018/NĐ-CP; sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 theo hướng quy định chi tiết các bộ phối hợp, tham gia ý kiến với UBND tỉnh biên giới để quyết định công bố danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.

Sửa đổi Nghị định 14/2018/NĐ-CP về thương mại biên giới-Ưu tiên xuất nhập khẩu chính ngạch
Hoạt động tập kết, xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, dự thảo nghị định có một số điểm đáng lưu ý. Cụ thể, từ ngày 1/1/2025, giảm số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân để hài hòa, đồng bộ với việc thay đổi chính sách đ­ối với xuất khẩu hàng hoá theo hình thức trao đổi cư dân.

Kể từ ngày 1/1/2025, hàng hóa xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.

Cũng kể từ thời điểm này, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.

Kể từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính (cửa khẩu song phương) và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.

Để nâng cao hiệu quả giao thương, kể từ ngày 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới. Kể từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.