Một trong những nội dung các ngân hàng đề cập là việc dự thảo luật vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song không có quy định về cách xác định thành viên hộ gia đình. Đây tiếp tục là vướng mắc rất lớn cho các tổ chức tín dụng trong quá trình nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Thực tế thời gian qua đã phát sinh rất nhiều vụ tranh chấp kéo dài (thường do xác định thiếu thành viên hộ gia đình ký hợp đồng thế chấp), dẫn đến tòa án tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Các ngân hàng lo lắng nhiều vấn đề quanh dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Buổi tọa đàm của VNBA diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: H.N.H
Đưa đất đai ra khỏi giá trị doanh nghiệp để tháo điểm nghẽn trong cổ phần hóa Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời các vấn đề liên quan đến SCB Ngân hàng Nhà nước: Nhiều công cụ để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng

Ngoài ra, nhiều ngân hàng vẫn tỏ ra băn khoăn về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, trong đó một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 42/2017/QH14 chưa được quy định tại dự thảo luật này.

Do đó, các ý kiến ngân hàng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung một số quy định tại Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành.

Chưa có hình thức cầm cố với bất động sản

Theo Hiệp hội Ngân hàng, biện pháp cầm cố bất động sản đã được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định hình thức cầm cố đối với bất động sản, mà chỉ có hình thức thế chấp bất động sản. Theo đó, các ngân hàng tỏ ra lo ngại sẽ có khoảng trống pháp lý về vấn đề này nên đã đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung biện pháp bảo đảm “cầm cố” đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất tại Luật Đất đai (sửa đổi).

Một trong những vấn đề khác đang được các ngân hàng lo ngại là những trường hợp tài sản gắn liền với đất đã hình thành (xây dựng xong) nhưng chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận. Trên thực tế tồn tại rất nhiều trường hợp nhà ở được xây dựng trên đất ở riêng lẻ của bên vay chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp được công chứng, đăng ký thế chấp chỉ ghi nhận việc thế chấp quyền sử dụng đất, không ghi nhận nhà ở gắn liền với đất.

Trong những trường hợp này, ngân hàng và bên thế chấp thường buộc phải lập văn bản thỏa thuận ký không qua thủ tục công chứng, đăng ký để thỏa thuận về việc nhận thế chấp/cơ chế xử lý tài sản gắn liền với đất chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy, giao dịch thế chấp tiềm ẩn rủi ro tranh chấp đối với tài sản gắn liền với đất là tài sản thế chấp./.