Người gửi tiền luôn được bảo vệ

Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã lên tiếng khẳng định, ở Việt Nam từ trước đến nay, những khoản gửi tiền của người dân tại các ngân hàng, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đều được Nhà nước đảm bảo trong mọi trường hợp. Do đó, những người gửi tiền ở SCB cần hết sức bình tĩnh, không nên rút tiền, nhất là trước hạn để đảm bảo quyền lợi của mình. Theo bà Hồng, với vai trò là cơ quan Trung ương cũng như vai trò của một cơ quan quản lý hoạt động tiền tệ - ngân hàng, khi xây dựng và hoạch định chính sách tiền tệ cũng như các chính sách quản lý ngân hàng, NHNN luôn đặt mục tiêu kiên định với việc điều hành để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng, trong đó có Ngân hàng SCB.

Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã lên tiếng khẳng định an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng là một trong những vấn đề rất quan trọng trong nhiều năm qua. NHNN và các bộ, ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, chính sách để đảm bảo an toàn cho cả hệ thống các tổ chức tín dụng. Thời gian tới NHNN đã và sẽ tiếp tục có những biện pháp cụ thể, quyết liệt để đảm bảo an toàn hoạt động chung.

Nguồn: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Nguồn: Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.

Ở Việt Nam thời gian trước, thị trường tiền tệ cũng từng xuất hiện những thông tin không tích cực liên quan đến Ngân hàng Á Châu (ACB) vào năm 2004 khiến người dân đổ xô đi rút tiền trước thời hạn. Thời điểm đó, Thống đốc NHNN Lê Đức Thuý đã nhanh chóng trấn an dư luận bằng việc khẳng định không có chuyện ACB sắp phá sản, đồng thời cam kết đảm bảo mọi quyền lợi cho người gửi tiền. Kết quả là ACB không những đứng vững mà còn trở thành một trong những ngân hàng năng động bậc nhất như hiện nay.

Ngoài ra, thị trường tiền tệ giai đoạn năm 2015 cũng chứng kiến việc các ngân hàng gồm Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn Cầu (GPBank) và Ngân hàng Xây dựng (CB) được NHNN can thiệp bằng hình thức mua lại với giá 0 đồng. Trao đổi với TBTCVN, TS. Châu Đình Linh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, trường hợp SCB gần đây có nhiều điểm khác so với 3 ngân hàng trên ở chỗ, SCB vẫn là một ngân hàng đang hoạt động bình thường ổn định, chứ không phải như trường hợp các ngân hàng OceanBank, GPBank và CB là những ngân hàng hoạt động yếu kém tại thời điểm bị mua lại. Tuy nhiên đến nay, OceanBank, GPBank và CB cũng đang trong giai đoạn phục hồi và quyền lợi của người gửi tiền vẫn được đảm bảo.

Ngân hàng Nhà nước có trong tay nhiều công cụ

Dưới góc nhìn của chuyên gia, một số chuyên gia tài chính cho biết, ngân hàng tuy là một ngành kinh doanh, nhưng là ngành kinh doanh có điều kiện và được điều phối bởi ngân hàng trung ương (Việt Nam gọi là Ngân hàng Nhà nước). Theo đó, ngân hàng trung ương có thể có vai trò và ảnh hưởng rất lớn trong việc điều tiết hệ thống ngân hàng. Ông Linh cho biết, khi một ngân hàng thương mại có nhu cầu, ngân hàng trung ương có thể thực hiện điều phối trên thị trường liên ngân hàng để điều chuyển dòng tiền nhàn rỗi từ ngân hàng khác sang những ngân hàng có nhu cầu thanh khoản. Đó cũng chỉ là một trong những công cụ của thị trường tiền tệ, ngoài ra, ngân hàng trung ương cũng có thể can thiệp trực tiếp thông qua việc thực hiện chiết khấu, tái cấp vốn cho một ngân hàng nào đó nếu có nhu cầu.

Chức năng và tính chất hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV)

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là một tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Việt Nam còn có Tổ chức bảo hiểm tiền gửi hoạt động theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi với vai trò chi trả quyền lợi cho người gửi tiền. Theo quy định tại Luật bảo hiểm tiền gửi, các ngân hàng đều bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tiền gửi và người được bảo hiểm tiền gửi được quyền bảo hiểm số tiền gửi của mình tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Luật này. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức bảo hiểm tiền gửi có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và NHNN chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với NHNN thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Ngoài ra ở cấp địa phương, ửy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi tại địa phương.