Chính sách tài khóa sẽ vẫn là động lực để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Chính sách tài khóa tham gia chủ động, hiệu quả vào phục hồi kinh tế Một số hình ảnh khai mạc diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nộp tiền vào ngân sách mới giao đất Việt Nam tăng trưởng dù chậm lại nhưng vẫn cao nhất khu vực

Tiếp tục nghiên cứu các phương án thuế xăng dầu

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, đại dịch và xung đột chính trị đã tác động sâu rộng nhiều mặt đối với kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, thị trường lao động, xuất khẩu, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng cao…

“Dưới góc độ chính sách tài khóa, Quốc hội, Chính phủ đã sử dụng linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa trong thời gian qua. Riêng các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí đã tác động trực tiếp và rất lớn đối với nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Chủ động các kịch bản chính sách tài khóa trong mọi tình huống
Phiên thảo luận bàn tròn chiều 18/9 tại Diễn đàn.

Thông tin đến diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, gói miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí nếu như trong năm 2020 là 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 tăng lên là 145 nghìn tỷ đồng. 8 tháng năm 2022 gói miễn, giảm thuế thực hiện chương trình đã đạt 35 nghìn tỷ đồng.

Nhiều chính sách tài khóa như gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, gói hỗ trợ người lao động thuê nhà 6.600 tỷ đồng đang thực hiện.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cũng nhắc đến gói hỗ trợ ngoài chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đó là chính sách thuế, phí đối với mặt hàng chiến lược xăng dầu mà người dân hết sức quan tâm. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa thuế bảo vệ môi trường xuống mức sàn. 8 tháng, ngân sách đã hỗ trợ thông qua chính sách này ở mức 13 nghìn tỷ đồng. Thời hiệu của chính sách này đến 31/12/2022.

Mỗi năm miễn, giảm, giãn hàng trăm nghìn tỷ đồng thuế, phí, lệ phí

Gói miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí nếu như trong năm 2020 là 129 nghìn tỷ đồng, năm 2021 tăng lên là 145 nghìn tỷ đồng. 8 tháng năm 2022 gói miễn, giảm thuế thực hiện Chương trình đã đạt 35 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng dầu từ 20% xuống 10%, đã góp phần mở rộng nguồn cung trong điều kiện thị trường thế giới khó khăn.

“Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng, chuẩn bị phương án tiếp tục nghiên cứu các chính sách thuế, gồm cả thuế bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để trình Quốc hội kỳ họp tới, có được công cụ linh hoạt để ứng phó tình huống giá xăng dầu thế giới, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Bộ Tài chính luôn linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tài khóa để có phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống như Chủ tịch Quốc hội nói, đó là dĩ bất biến ứng vạn biến” - Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay.

Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đã có phát biểu về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng: “Trong chiến lược phát triển thị trường chứng khoán và định hướng phát triển thị trường vốn TPDN, đến năm 2025 thị trường trái phiếu đạt không thấp hơn 47% GDP, TPDN không thấp hơn 20% GDP. Vậy, cần giải pháp gì để thị trường này phát triển ổn định, bền vững, trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế, bổ trợ kênh dẫn vốn của ngân hàng? Tôi cho rằng, cần phải tính đến hệ thống các giải pháp đồng bộ, gồm 5 nhóm giải pháp”.

Chủ động các kịch bản chính sách tài khóa trong mọi tình huống
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Bộ Tài chính luôn chủ động các kịch bản về chính sách tài khóa trong mọi tình huống.

Đó là, thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quản lý thị trường. Một bước đi lớn, quan trọng, ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán TPDN ra thị trường quốc tế.

Thứ hai, cần đa dạng và cải thiện cầu đầu tư đối với TPDN. Hiện trạng của thị trường vốn hiện nay nhà đầu tư vào TPDN là cá nhân khá đông đảo, nhưng thiếu nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư có tổ chức. Cơ quan quản lý xác định phát triển nhà đầu tư có tổ chức, còn nhà đầu tư cá nhân có thể sẽ đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, được quản lý bởi các nhà đầu tư có tổ chức.

Thứ trưởng đặc biệt lưu ý các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cá nhân, cần được đào tạo và nâng cao kỹ năng trong quá trình phân tích các rủi ro tài chính để đưa ra quyết định đầu tư và chịu trách nhiệm đối với các quyết định của mình.

Thứ ba, nâng cao chất lượng các định chế trung gian tài chính, tham gia vào quá trình phát hành TPDN. Trong đó, cần cải thiện chất lượng, nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức trung gian.

Thứ tư, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình phát hành và thị trường trái phiếu. Cần thể chế hóa và phân định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Khi xác định rõ trách nhiệm, sẽ thực hiện nghiêm túc, hạn chế rủi ro.

Những cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường phải xử lý nghiêm các vi phạm. Bởi trên thực tế, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, hiện có hàng trăm nghìn doanh nghiệp, không có cơ quan nào có thể kiểm tra hết được. Do đó, cơ quan quản lý ban hành quy định, giám sát và phát hiện rủi ro, thanh tra kiểm tra. Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thứ năm, đẩy mạnh truyền thông để thông tin minh bạch, kịp thời đến công chúng các quy định của pháp luật, khuyến nghị với thị trường đề phòng rủi ro.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tin tưởng rằng, với các nhóm giải pháp đó khi thực thi được sẽ đảm bảo thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển thị trường TPDN./.

Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Những cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát thị trường phải xử lý nghiêm các vi phạm. Bởi trên thực tế, theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, hiện có hàng trăm nghìn doanh nghiệp, không có cơ quan nào có thể kiểm tra hết được. Do đó, cơ quan quản lý ban hành quy định, giám sát và phát hiện rủi ro, thanh tra kiểm tra. Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.