PV: Quan sát bức tranh kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, ông đánh giá thế nào về quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam?

Chính sách tài khóa tham gia chủ động, hiệu quả vào phục hồi kinh tế
PGS. TS Vũ Minh Khương

PGS. TS Vũ Minh Khương: Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn và nền kinh tế thể giới dự kiến sẽ còn phải trải qua những bất trắc khôn lường, Việt Nam đang có những bước tiến khá ngoạn mục trong nỗ lực phục hồi và đẩy nhanh công cuộc phát triển kinh tế. Các dẫn chứng dưới đây cho thấy, những chỉ dấu sắc nét về khả năng Việt Nam đang mạnh lên từ đại dịch và sẽ có thể tiến nhanh trong các năm tới.

Thứ nhất, theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới công bố vào ngày 8/8, Việt Nam có khả năng đạt nhịp độ tăng trưởng GDP 7,5% và lạm phát được giữ ở mức 3,8% trong năm 2022 này. Điều đáng chú ý là nhiều tổ chức quốc tế đều điều chỉnh tăng về dự đoán tăng trưởng cho Việt Nam so với đầu năm, sau khi theo dõi động thái phục hồi của nền kinh tế trong 7 - 8 tháng qua.

Thứ hai, trong bối cảnh thế giới bất ổn vì xung đột Nga - Ukraine và các biến động do đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu và giá dầu tăng cao, Việt Nam là 1 trong 2 nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá tăng độ tín nhiệm bởi Tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới S&P500.

Thứ ba, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu thêm vào nền kinh tế toàn cầu với thành quả khích lệ. Trong năm 2022, Việt Nam dự kiến đạt tổng giá trị xuất khẩu ở mức 368 tỷ USD, là một trong số rất ít quốc gia có giá trị xuất khẩu vượt quy mô GDP. Thêm nữa, tính đến 15/8, thặng dư thương mại của Việt Nam đạt 1,39 tỷ USD.

Trong động thái tiến triển thuận lợi trên, cùng với những nỗ lực cải cách và hành động mạnh mẽ của Chính phủ, các nhà đầu tư nước ngoài càng chú ý nhiều hơn đến Việt Nam. Cộng thêm với việc ứng đáp rất có trách nhiệm và tình người của Chính phủ và người dân trong thời kỳ khắc nghiệt của đại dịch Covid-19, Việt Nam đang được coi là một điểm đầu tư có sức hấp dẫn cao không chỉ về ngắn hạn mà cả về lâu dài. Nói một cách nôm na, chỉ số HOME (được coi là NHÀ) (H = Hope = Kỳ vọng tốt; O = Opportunties = Cơ hội; M = Memory = Ký ức tốt; E = Engagement = Nỗ lực gắn kết) của Việt Nam với nhiều nhà đầu tư quốc tế là cao và trong xu thế tăng lên.

Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại khu công nghiệp Đông Mai (TX Quảng Yên) tỉnh Quảng Ninh, lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.
Công nhân Nhà máy S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại khu công nghiệp Đông Mai (TX Quảng Yên) tỉnh Quảng Ninh, lắp ráp màn hình tinh thể lỏng công nghệ cao.

PV: Trong sự phục hồi này của nền kinh tế Việt Nam, ông đánh giá thế nào về vai trò của chính sách tài khóa, nhất là trong bối cảnh Covid-19 thời gian qua?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Chính sách tài khóa có ba chức năng chủ yếu: giữ ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng bao bọc trong xã hội. Có thể thấy, trong bối cảnh Covid-19, chính sách tài khóa đã tham gia tích cực, chủ động, hiệu quả vào quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Chính sách tài khóa giữ vai trò đi đầu trong việc hỗ trợ sự phục hồi với một loạt các chương trình hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, trong đó đáng chú ý là Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội 2022 - 2023 đang được thực thi. Các chỉ số kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tạo động lực lớn hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Khi xem xét kỹ 3 chức năng của chính sách tài khóa, theo tôi, trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo của đại dịch Covid-19, Việt Nam đã làm rất tốt chức năng thứ nhất, khá với chức năng thứ hai, nhưng còn yếu ở chức năng thứ ba. Điều cần lưu ý là điểm yếu này có tính cấu trúc, nó đòi hỏi những cải cách lớn để tăng khả năng phối hợp huy động tổng lực của Chính phủ, tính minh bạch của hệ thống, ý thức trách nhiệm của cán bộ thực thi và sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng.

Việt Nam đang là điểm đầu tư có sức hấp dẫn cao cả về lâu dài

Việt Nam đang được coi là một điểm đầu tư có sức hấp dẫn cao không chỉ về ngắn hạn mà cả về lâu dài. Nói một cách nôm na, chỉ số HOME (được coi là NHÀ) (H = Hope = Kỳ vọng tốt; O = Opportunties = Cơ hội; M = Memory = Ký ức tốt; E = Engagement = Nỗ lực gắn kết) của Việt Nam với nhiều nhà đầu tư quốc tế là cao và trong xu thế tăng lên.

PV: Việt Nam vẫn đang trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ông có khuyến nghị gì cho các nhà hoạch định chính sách để đảm bảo cân đối chính sách tài khoá với các chính sách khác, đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi?

PGS. TS Vũ Minh Khương: Việt Nam đang đứng trước những cơ hội vô giá để tạo nên những bước phát triển vượt bậc trong thời gian tới. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần có chiến lược tổng thể để tạo ra sức mạnh tổng lực cho toàn xã hội.

Để các chính sách, trong đó có chính sách tài khóa, có sức đột phá và cộng hưởng cao, chúng ta cần đặc biệt coi trọng các nỗ lực cải cách và sáng kiến chính sách nhằm tăng nhanh năng suất lao động, cả trong ngắn hạn và lâu dài.

Ưu tiên này cần xuyên suốt từ phát triển hạ tầng đến cải cách thể chế; từ giáo dục và đổi mới sáng tạo đến nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công cuộc chuyển đổi xanh - phát triển bền vững. Chẳng hạn, khi các đường cao tốc ở Hàn Quốc có lưu lượng xe vượt trên 30.000 xe, họ thường nhanh chóng mở rộng số làn xe từ 4 lên 6 - 8 làn. Tại Việt Nam việc đầu tư này còn chậm và chưa có tính quyết liệt.

PV: Xin cảm ơn ông!