Huỳnh Ngọc Ánh

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (Đoàn TP. Hồ Chí Minh)

Nhiều ý kiến khác nhau

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, có nhiều ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở của việc nâng mức lãi suất lên 200% lãi suất cơ bản (quy định hiện hành là 150%); đề nghị không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, vì đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, nên quy định một mức lãi suất cố định trong BLDS với tỉ lệ % tính theo năm của khoản tiền vay cho ổn định.

Cùng với đó, một số ý kiến khác còn đề nghị nên nghiên cứu sử dụng lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ hoặc lãi suất của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn để tham chiếu...

Tuy nhiên, theo UBTVQH, nếu cho rằng không nên sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu trong quan hệ dân sự với lý do đây là công cụ điều hành chính sách tiền tệ, thì lãi suất tái cấp vốn cũng có chức năng tương tự.

Trong khi đó, nếu chọn mức lãi suất cho vay tiêu dùng của một hoặc một số ngân hàng thương mại lớn, hay lãi suất trái phiếu chính phủ... cũng là những mức lãi suất không phổ biến và khó tiếp cận với phần lớn người dân như lãi suất cơ bản.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị nên quy định một mức lãi suất cố định trong BLDS, tuy nhiên, phương án này thuận lợi cho việc áp dụng, nhưng lại không bảo đảm tính linh hoạt khi điều kiện kinh tế - xã hội có biến động.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, UBTVQH đã đưa ra hai phương án: (1) Quy định mức lãi suất cố định ngay trong BLDS là tối đa 20%/năm của khoản tiền vay; (2) vẫn sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của BLDS sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác liên quan có quy định khác.

Chủ nhiệm Phan Trung Lý cho biết thêm, trong hai phương án nêu trên, cũng có ý kiến đề nghị đối với phương án (1) cần giao cho cơ quan có thẩm quyền sửa đổi mức lãi suất này khi cần thiết; đối với phương án (2) phải thống nhất áp dụng chung mà không loại trừ trường hợp luật khác có quy định khác.

Cả hai phương án đều... chưa yên tâm

Tại phiên thảo luận hội trường, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) góp ý vào khoản 1 và khoản 3, Điều 467. Theo khoản 1, Dự thảo quy định “lãi suất vay do các bên thỏa thuận”, ĐB đề nghị sửa lại thành “lãi suất vay do các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật”. Điều này sẽ phù hợp hơn với khái niệm về hợp đồng vay tài sản tại Điều 462 của cùng dự thảo này.

ĐB Thúy cũng chọn phương án 1 là cần phải quy định mức lãi suất cố định ngay trong Bộ luật. Việc xác định một tỷ lệ cụ thể tối đa là 20%/năm và phụ thuộc vào khoản tiền vay sẽ đảm bảo được tính rõ ràng minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự dễ biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay. “Thông qua đó, việc xác định hợp đồng cho vay nặng lãi cũng dễ dàng hơn”, ĐB nói.

ĐB Đinh Xuân Thảo (Hà Nội) đồng tình với việc cần phải có trần lãi suất để ngăn chặn tình trạng cho vay nặng lãi và nên theo phương án 1.

ĐB Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cũng nhất trí với phương án 1. “Điều này sẽ đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch có thể biết ngay về mặt pháp lý khi xác lập hợp đồng cho vay", ĐB lý giải.

Trong khi đó, cũng tại phiên thảo luận hội trường vẫn có đại biểu không đồng thuận với phương án 1 hoặc chưa hoàn toàn yên tâm về cả hai phương án đưa ra.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP. Hồ Chí Minh): "Trong hai phương án tôi đều ko yên tâm. Nhiều đại biểu đồng tình với phương án là 20%/năm, nhưng khi đồng tiền trượt giá, lạm phát,... thì con số 20% này không có nhiều ý nghĩa. Còn nếu quy định không được vượt 200% lãi suất cơ bản ngân hàng; tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, ngân hàng không đưa ra lãi suất cơ bản".

Do vậy, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đồng tình với phương án 2, nhưng bỏ lãi suất cơ bản mà thay vào đó là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố. Vì lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh hàng năm, điều chỉnh theo tình hình của kinh tế đất nước, thị trường nên sẽ đảm bảo hơn.

ĐB Trần Du Lịch thì cho rằng, không nên áp dụng điều khoản này đối với các tổ chức tín dụng. ĐB Lịch cũng đề nghị không nên quy định phương án trần 20%/năm vì biến động thị trường./.

Điều 467. Lãi suất (Dự thảo BLDS sửa đổi)
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
2. Trường hợp các bên có thoả thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất thì lãi suất do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì lãi suất được xác định theo lãi suất luật định. Trường hợp không có lãi suất luật định thì coi như hợp đồng vay không có lãi, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
3. Phương án 1:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Phương án 2:
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố, trừ trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực./.

Duy Thái