Cổ phần hóa chậm làm lãng phí nguồn lực, vốn nhà nước Thu từ bán vốn nhà nước giai đoạn 2021-2025 dự kiến đạt 21.827 tỷ đồng Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nâng cao trách nhiệm các cơ quan trong quản lý tài sản công

Thu ngân sách tăng tốt khi triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, chiều ngày 6/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nêu câu hỏi về giải pháp ngăn chặn việc bán hàng không ra hóa đơn, đặc biệt tại các nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại…, khiến Nhà nước thất thu thuế.

Trả lời đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đã chỉ đạo các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện xuất hóa đơn điện tử từ ngày 1/7/2022. Đến nay đã triển khai thống nhất trên toàn quốc.

Cổ phần hóa chậm khi

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp.

Bên cạnh đó, Bộ đã chỉ đạo áp dụng các giải pháp công nghệ, như kết nối máy khởi tạo tính tiền của các cơ sở với dữ liệu cơ quan thuế để kiểm soát. Đến nay, đã có trên 50% các siêu thị, nhà hàng thực hiện kết nối.

Đặc biệt, 100% các cơ sở kinh doanh xăng dầu đã thực hiện kết nối dữ liệu điện tử với cơ quan thuế. Bộ Tài chính cũng đã thực hiện kết nối dữ liệu thuế với hệ thống định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an quản lý, lấy định danh điện tử làm mã số thuế. Nhờ triển khai tốt các công việc này, số thu ngân sách năm 2022 đã có mức tăng tích cực.

Đặc biệt, Bộ Tài chính đã tập trung quản lý hóa đơn điện tử qua AI để phân tích dữ liệu lớn, phát hiện hành vi trốn thuế, đảm bảo thu ngân sách tốt hơn. Ngoài ra, Bộ cũng chỉ đạo thực hiện quay xổ số bằng hóa đơn may mắn hàng tháng, hàng quý, qua đó khuyến khích người dân lấy hóa đơn, từ đó quản lý tốt hơn nguồn thu ngân sách.

Tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cho biết, tại khoản 2, Điều 68 Luật Đầu tư công quy định HĐND cấp tỉnh quyết định kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư hằng năm nguồn ngân sách địa phương. Quy định này mất nhiều thời gian và giảm tính chủ động của các địa phương. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết phương án sửa luật để thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện, cũng như giải pháp cho việc triển khai dự án đầu tư công chậm.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, quy định của pháp luật đã phân cấp việc kéo dài thực hiện vốn và kế hoạch đầu tư công hàng năm cho HĐND cấp tỉnh. Hiện nay, việc thực hiện mất nhiều thời gian do tất cả đều trình lên cấp tỉnh, trong khi đó, ngân sách có 3 cấp: trung ương, tỉnh, huyện.

Các địa phương đang đề nghị phân cấp xuống cho UBND, hoặc ở cấp nào kéo dài vốn ở cấp đó. Bộ Kế hoạch Đầu tư đã đề xuất vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ rà soát những vướng mắc của văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết 101 của Quốc hội.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, theo Luật Đầu tư công, đối với ngân sách trung ương thì giao nội dung này cho Chính phủ, với ngân sách địa phương thì giao cho HĐND.

Để sửa đổi quy định, chuyển từ HĐND về UBND để tạo thuận lợi trong triển khai thì phải sửa Luật Đầu tư công. Lãnh đạo ngành Tài chính cho biết sẽ tiếp thu, kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo để xem xét.

Đối với việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong khâu chuẩn bị đầu tư. Cụ thể như trong các việc quyết định chủ trương đầu tư, lập dự án, phê duyệt, thẩm định thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, đấu thầu, giải phóng mặt bằng…

“Đây là những khâu kéo dài nhất, làm vốn đầu tư công không giải ngân được, làm ứ đọng nguồn vốn, gây lãng phí. Vậy phải làm sao rút ngắn thời gian, đơn giản hóa thủ tục hành chính ở những khâu này” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định.

Cụ thể hơn, Bộ trưởng đề xuất phải tách riêng phần giải phóng mặt bằng, coi đây như một dự án đầu tư riêng để triển khai, khi cần quyết toán thì cộng hai phần dự án lại, như vậy sẽ tiến hành nhanh hơn. Hay vốn chuẩn bị đầu tư nên đưa vào chi thường xuyên để giao cho các bộ, ngành, địa phương lập dự án đầu tư cần thiết, khi có dự án sẽ bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công… Những giải pháp như vậy sẽ giúp đẩy nhanh triển khai đầu tư công.

Cổ phần hóa chậm khi
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên chất vấn chiều 6/11.

Cổ phần hóa chậm do vướng các vấn đề về đất đai

Liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nêu thực trạng cổ phần hóa, thoái vốn tiến hành rất chậm, chỉ đạt một phần nhỏ kế hoạch đề ra. Đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân, trách nhiệm đối với thực trạng này?

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, công tác cổ phần hóa chậm vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai. Nguyên nhân cơ bản nhất, là doanh nghiệp muốn mua vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa thường nhìn vào giá trị các khu đất “vàng”. Tuy nhiên hiện nay theo nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ quy định không cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thuê sang đất ở, do đó khi nhà đầu tư nhìn vào thì thấy không còn địa tô chênh lệch, nên không còn hấp dẫn để mua.

Nguyên nhân thứ hai là hiện gần như các chính quyền địa phương không phê duyệt phương án sử dụng đất. Thứ ba là khi tính giá trị sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp trong phương án cổ phần hóa, thì phải thực hiện thẩm định giá, mà điều này tạo nên nhiều rủi ro. Những nguyên nhân này khiến các doanh nghiệp, bộ, ngành chưa trình được phương án chuyển đổi, sắp xếp lại doanh nghiệp./.