Sự hỗ trợ và phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước,

Sự hỗ trợ và phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước, các NHTM trong việc QLT đối với hoạt động TMĐT là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở.

Trong việc quản lý thuế (QLT) hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), cơ quan thuế hành động không vì lợi ích riêng của ngành Thuế, mà là vì lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của chính đối tượng nộp thuế. Do đó, trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp từ phía các bộ, ngành, các tổ chức liên quan khác, bao gồm ngân hàng (NH) phải là một nghĩa vụ pháp lý quy định bởi Nhà nước.

PV: Thưa ông, dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) mà Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, trình Quốc hội có đề xuất yêu cầu ngân hàng thương mại (NHTM) phối hợp cung cấp việc mở tài khoản và số tài khoản gắn với mã số thuế của người nộp thuế. Ông đánh giá như thế nào về quy định này?

- Ông Hà Huy Phong: Hiện nay, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội đã làm thay đổi quá nhanh và toàn diện các yếu tố tồn tại trong nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, đã phát sinh hình thức kinh doanh mới như TMĐT. Đây là cơ hội cho những người kinh doanh và bản thân nền kinh tế. Tuy vậy, đây thực sự là một thách thức của ngành Thuế trong việc QLT và thu thuế đối với hoạt động TMĐT và đặt ra nhu cầu phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới.

Ông Hà Huy Phong
Ông Hà Huy Phong


Vấn đề đặt ra là bản thân ngành Thuế không thể tự mình đảm đương hết được việc QLT và thu thuế, mà cần có sự hỗ trợ và phối hợp từ các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan khác. Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, việc QLT trở nên hiệu quả hơn trong một nền kinh tế không dùng tiền mặt, với sự tham gia của hệ thống NH và các tổ chức trung gian trong thị trường tiền tệ. Tôi cho rằng, điều tương tự như vậy nên được áp dụng ở Việt Nam và việc thu thuế, QLT cần có sự phối hợp từ các cơ quan chức năng, tổ chức khác có liên quan, bao gồm Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các NHTM. Do đó, việc Bộ Tài chính yêu cầu sự hỗ trợ và phối hợp từ Ngân hàng Nhà nước, các NHTM trong việc QLT đối với hoạt động TMĐT là hoàn toàn hợp lý và có cơ sở.

Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng tôi thấy cũng còn có một vài ý kiến chưa đồng thuận về việc cần sự phối hợp của NH trong việc QLT đối với hoạt động TMĐT. Tôi cho rằng điều này là hết sức bình thường. Bởi, tài khoản của cá nhân, tổ chức mở tại NHTM được đảm bảo nguyên tắc bảo mật và chống lại mọi sự can thiệp, xâm phạm trái ý muốn. Các NHTM có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ của NH.

Tuy nhiên, theo quan điểm của cá nhân tôi, việc chống thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) là vấn đề quốc gia, do đó cần sự vào cuộc, hỗ trợ và phối hợp giữa ngành NH và ngành Thuế. Tuy nhiên, để thực hiện được, cần có quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm, nghĩa vụ, cách thức bảo mật thông tin khách hàng khi hai cơ quan trao đổi thông tin...

Bên cạnh đó, cần có những quy định cụ thể song hành giữa nghĩa vụ và quyền lợi của NH khi phối hợp cùng cơ quan thuế. Bởi, các NHTM bản chất là doanh nghiệp, nên cần có cơ chế để họ cùng tham gia vào việc chung. Theo đó, luật nên quy định cụ thể về cách thức phối hợp, về chia sẻ dữ liệu, bảo mật thông tin, chia sẻ về chi phí, lợi ích…

PV: Theo ông, việc phối hợp giữa cơ quan thuế và NH có cần luật hóa, quy định về trách nhiệm của NH trong việc phối hợp với cơ quan thuế để chống thất thu NSNN trong lĩnh vực TMĐT?

- Ông Hà Huy Phong: Tôi ủng hộ việc đó. Quan hệ giữa NH và khách hàng, quan hệ giữa NH với cơ quan thuế là những quan hệ xã hội và các chủ thể quan hệ như vậy có vị trí độc lập, tự chủ nhất định. Những quan hệ xã hội đó cần phải được luật hóa để đảm bảo tính ràng buộc, minh bạch và chịu trách nhiệm. Cơ quan thuế hành động không vì lợi ích riêng của ngành Thuế, mà hành động đó là vì lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của chính đối tượng nộp thuế. Trách nhiệm hỗ trợ, phối hợp từ phía các bộ, ngành, các tổ chức liên quan khác, bao gồm NH phải là một nghĩa vụ pháp lý quy định bởi Nhà nước.

Mặc dù kê khai, nộp thuế là nghĩa vụ của đối tượng nộp thuế, nhưng pháp luật cần đưa ra hành lang và cách thức thuận tiện nhất để đối tượng nộp thuế thực hiện nghĩa vụ của mình. Hơn nữa, để tránh mọi sự lạm dụng quyền hạn hoặc từ chối trách nhiệm của cả cơ quan thuế, NH cũng như rủi ro đối với khách hàng, thì luật hóa mối quan hệ giữa NH và cơ quan thuế là điều bắt buộc phải làm.

Dĩ nhiên là để đảm bảo thực hiện việc này một cách có hiệu quả, chống thất thu NSNN, tạo lập môi trường công bằng, minh bạch thì còn rất nhiều việc phải làm để đồng bộ các yếu tố cấu thành của nền kinh tế, trong đó có việc tích cực đẩy mạnh chính sách nền kinh tế không có tiền mặt. Quy định pháp luật về sự phối hợp giữa NH và cơ quan thuế sẽ có tính tiền đề và nền tảng cho các quy định về nền kinh tế không có tiền mặt trong công tác QLT.

PV: Theo ông, nếu luật hóa về sự phối hợp giữa cơ quan thuế và NH có bị hiểu là NH bị ép buộc “làm thay việc” của cơ quan thuế không?

- Ông Hà Huy Phong: Việc luật hóa sự phối hợp giữa cơ quan thuế và NH không có nghĩa là chuyển nghĩa vụ QLT từ cơ quan thuế sang NH, nên sẽ không xảy ra việc ép buộc làm thay việc. Luật hóa là khẳng định nghĩa vụ pháp lý của NH và để đảm bảo hành lang pháp lý cho sự phối hợp giữa hai bên một cách rõ ràng, đầy đủ, minh bạch, hiệu quả.

Luật sẽ phải làm rõ các nội dung phối hợp, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quá trình phối hợp vì lợi ích chung, trong đó NH chỉ là một bên phối hợp và giới hạn ở những nội dung nào nằm trong khả năng và tầm kiểm soát của NH.

PV: Xin cảm ơn ông!

Diệu Thiện (thực hiện)