Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Hoạt động bốc xếp hàng hóa tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Kết quả này, có sự đóng góp tích cực của Tổng cục Hải quan. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Dương Thái - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã có đôi điều chia sẻ với phóng viên TBTCVN.

- PV: Xin ông cho biết công tác CCHC của Tổng cục Hải quan thời gian qua đạt được kết quả như thế nào?

- Ông Nguyễn Dương Thái: Trong những năm qua, Tổng cục Hải quan luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần quan trọng vào hoạt động CCHC của ngành Tài chính. Đến nay, ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Về cải cách thể chế, Tổng cục Hải quan đã trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa Luật Hải quan năm 2014 với nhiều chế định cải cách mạnh mẽ về thủ tục hải quan; nội luật hóa các FTA mà Việt Nam đã tham gia, ký kết; đơn giản hóa hồ sơ hải quan; tăng cường áp dụng các phương pháp quản lý hải quan hiện đại.

Ông Nguyễn Dương Thái
Ông Nguyễn Dương Thái

Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), với sự nỗ lực trong tiếp cận chuẩn mực quốc tế về quản lý hải quan hiện đại, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh thực hiện cải cách TTHC, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC trong lĩnh vực hải quan. Theo đó, số lượng TTHC về lĩnh vực hải quan đã giảm từ 239 thủ tục (trước khi có Luật Hải quan 2014) giảm xuống còn 181 thủ tục với hồ sơ, giấy tờ đã được đơn giản hóa, 91,4% số thủ tục này được thực hiện theo phương thức điện tử mức độ 3 và mức độ 4, góp phần tạo điều kiện cắt giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN).

Về hiện đại hóa hành chính, Tổng cục Hải quan đã quyết liệt đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng trang thiết bị kỹ thuật hiện đại trong quản lý nhà nước về hải quan, đạt được những kết quả quan trọng.

Hiện có hơn 99,65% DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Việc triển khai Hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) đạt kết quả tích cực; hồ sơ, thủ tục để đưa hàng ra khỏi kho bãi, cảng, đơn giản hơn; giảm tiếp xúc giữa cán bộ hải quan và DN. Đến nay, VASSCM đã được triển khai tại 29/35 cục hải quan tỉnh, thành phố, 359 DN kinh doanh kho/bãi/cảng và kho ngoại quan.

Đặc biệt quan trọng, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai các TTHC thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. Tính đến tháng 5/2019, đã có 13 bộ, ngành tham gia kết nối 173 TTHC với gần 2,2 triệu bộ hồ sơ của hơn 29.800 DN được tiếp nhận, giải quyết.

- PV: Hàng năm, Ngân hàng Thế giới (WB) đều có báo cáo về môi trường kinh doanh đối với 190 quốc gia. Với vai trò là đơn vị tiên phong trong công tác CCHC của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có đóng góp như thế nào để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam?

- Ông Nguyễn Dương Thái: Hàng năm, WB đều công bố chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của các quốc gia (CSGDTMQBG). Đây là chỉ số quan trọng trong việc đánh giá năng lực cạnh tranh giữa các nền kinh tế.

Năm 2018, CSGDTMQBG của Việt Nam vẫn được duy trì như năm 2017. So sánh với kết quả của năm 2016, thời gian thông quan hàng xuất khẩu giảm 3 giờ (từ 58 xuống 55 giờ), hàng nhập khẩu giảm 6 giờ (từ 62 xuống 56 giờ); chi phí thông quan trực tiếp tại cửa khẩu cho 1 lô hàng giảm 19 USD. Như vậy, ước tính với 12 triệu tờ khai của năm 2018, DN đã tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan. Tuy nhiên, CSGDTMQBG của Việt Nam vẫn ở thứ hạng chưa cao. Do vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất cho Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp để nâng cao thứ hạng của Việt Nam về CSGDTMQBG.

Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính ban hành Quyết định 876/QĐ-BTC ngày 27/5/2019 về triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng CSGDTMQBG của Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021, đồng thời Tổng cục Hải quan ban hành Quyết định 1552/QĐ-TCHQ nhằm thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao xếp hạng CSGDTMQBG theo chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp của Bộ Tài chính.

- PV: Nhằm đẩy mạnh hiệu quả công tác CCHC, xin ông cho biết những giải pháp cụ thể của Tổng cục Hải quan trong thời gian tới?

- Ông Nguyễn Dương Thái: Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người dân và DN về tính minh bạch, hiệu quả đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục nỗ lực trong công tác CCHC.

Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật hải quan để thích ứng với sự gia tăng mở rộng nhanh chóng của thương mại điện tử và hội nhập quốc tế; áp dụng cơ chế quản lý hải quan hiện đại (như bảo lãnh thông quan) trong thực hiện CCHC; đẩy mạnh ứng dụng CNTT và trang thiết bị hiện đại nhằm tăng cường năng lực quản lý của cơ quan hải quan, đồng thời ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan thực hiện các giải pháp nhằm nâng hạng CSGDTMQBG (cụ thể là các giải pháp giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan; giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục với công ty kinh doanh cảng, kho, bãi...). Đẩy mạnh công tác phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đối thoại thường xuyên với DN để giải quyết kịp thời những vướng mắc, đề xuất hiệu chỉnh chính sách phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân và DN.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Theo khảo sát mới đây của VCCI, 91% DN tham gia trả lời đánh giá thông tin cơ quan hải quan cung cấp là thống nhất, 90% DN đánh giá thông tin TTHC sẵn có dễ tìm. DN cũng đánh giá cao sự am hiểu chuyên môn nghiệp vụ của công chức hải quan ở tất cả các thủ tục và kỹ năng giải quyết công việc.

Hải Linh (thực hiện)