Hợp tác toàn cầu, tạo “vòng khép kín” để đấu tranh với tội phạm xuyên biên giới
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Văn Chung

PV: Chiến dịch con rồng Mê Kông đã vừa kết thúc giai đoạn 5. Nhìn lại cả hành trình, xin bà chia sẻ những kết quả ấn tượng trong thành công của chiến dịch?

Hợp tác toàn cầu, tạo “vòng khép kín” để đấu tranh với tội phạm xuyên biên giới
TS. Phạm Thị Thu Hương

TS. Phạm Thị Thu Hương: Thành công của chiến dịch có thể điểm đến như sau: Trước tiên là Chiến dịch đã thu hút gần 30 thành viên gồm các cơ quan hải quan, các cơ quan thực thi pháp luật trong khu vực.

Tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch giai đoạn 5 là 1.715 vụ, tăng 115% so với Chiến dịch giai đoạn 4. Trong đó, số vụ ma túy tăng 106% với hàng chục tấn ma túy đã được bắt giữ. Việc đấu tranh với buôn lậu động thực vật hoang dã cũng ghi một dấu ấn quan trọng với số vụ việc tăng 260%. Các nước cơ quan hải quan thành viên bắt giữ rất nhiều loại động vật, thực vật hoang dã.

Việc triển khai của Chiến dịch trong giai đoạn 5 nhận được sự chỉ đạo hết sức kịp thời của Thủ tướng Chính phủ cũng như là Bộ Tài chính. Tổng cục Hải quan đã xây dựng Kế hoạch hành động rất cụ thể để triển khai trong toàn ngành.

Bắt giữ 4.535 vụ ma túy, động vật, thực vật hoang dã

Tổng số vụ bắt giữ của Chiến dịch Con rồng Mê Kông qua 5 giai đoạn là 4.535 vụ ma túy và động thực vật hoang dã, tang vật thu giữ gồm: 55,2 tấn ma túy các loại, 108 tấn tiền chất, 157 tấn gỗ và 4.479 sản phẩm động vật, thực vật hoang dã.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã phối hợp xây dựng kế hoạch phối hợp với hai đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đó là C04 và C05 để thiết lập một mạng lưới gồm 40 đầu mối liên lạc trong toàn bộ quốc gia của mình để triển khai Chiến dịch một cách đồng bộ, hiệu quả.

PV: Có thể nói, không chỉ giai đoạn 5 mà trong quá trình triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông, Hải quan Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng. Bà có thể chia sẻ rõ hơn các vai trò này, thưa bà?

TS. Phạm Thị Thu Hương: Với Chiến dịch Con rồng Mê Kông nói chung, cũng như Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 5, Hải quan Việt Nam đóng nhiều vai trò, vừa là một cơ quan hải quan, vừa đưa ra sáng kiến và điều phối chiến dịch.

Quá trình triển khai, chúng ta chỉ có 4 cơ quan thực hiện điều phối là Hải quan Việt Nam; Hải quan Trung Quốc; Văn phòng tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC). Việt Nam chúng ta đóng hai vai là đơn vị vừa sáng kiến, vừa điều phối, nhưng đồng thời chúng ta cũng phải đảm đương nhiệm vụ như một đơn vị cơ quan hải quan thành viên bình thường.

Vai trò của Việt Nam thể hiện rất rõ ở việc thiết lập được một hệ thống đầu mối, một mạng lưới để phát hiện các đối tượng, đường dây của nhóm một cách xuyên suốt. Chúng ta xây dựng thiết lập đầu mối trong nước, từ tất cả các Cục Hải quan tỉnh, thành phố, cũng như từ việc phối hợp với C04 và C05 của Bộ Công an như tôi đã nêu ở trên. Chúng ta cũng kết nối với các đầu mối ở quốc tế. Hai phía đó phối hợp với nhau tạo một vòng khép kín trong các hoạt động trao đổi và chia sẻ thông tin với nhau, mang đến những thành công của chiến dịch.

PV: Được biết, Chiến dịch Con rồng Mê Kông giai đoạn 6 đã chính thức được khởi động. Vậy Việt Nam có những ưu tiên nào sẽ được triển khai ở giai đoạn này, thưa bà?

TS. Phạm Thị Thu Hương: Thứ nhất, chúng tôi đang dự kiến sẽ mở rộng phạm vi Chiến dịch giai đoạn 6. Quy mô thì vẫn là tập trung vào đấu tranh phòng, chống ma túy và các hoạt động buôn bán trái phép động thực vật hoang dã. Song, thêm một góc độ nữa là chúng ta mở rộng tới hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bản chất về tội phạm ma túy hay tội phạm về môi trường thì cũng đều có sự liên kết, cấu kết rất chặt chẽ và ẩn sau đó là những đường dây tội phạm xuyên quốc gia. Do đó, ưu tiên trong Chiến dịch giai đoạn 6 là phải tăng cường các hoạt động phân tích, phối hợp để làm sao phát hiện được toàn bộ chuỗi cung ứng của hệ thống vận chuyển trái phép. Nghĩa là, không chỉ phát hiện khi bắt giữ, mà phải phát hiện được nước nguồn, nước trung chuyển cho đến nước đích. Từ xây dựng các kế hoạch đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy, môi trường nói riêng, từ xa và từ sớm.

Một điểm mở rộng về phạm vi nữa mà chúng tôi đang tính toán sẽ thảo luận và thông qua RILO AP kêu gọi các Văn phòng tình báo của các khu vực khác kết nối với chúng ta vì dạng tội phạm ma túy cũng như môi trường không chỉ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà có mặt trên toàn cầu. Do đó, chúng tôi sẽ đề nghị các cơ quan tình báo khu vực khác cùng tham gia chiến dịch này để làm sao hoạt động của chiến dịch hiệu quả hơn. Chúng tôi mong được nâng tầm hoạt động của chiến dịch ở cấp độ cao hơn, kể cả song phương và đa phương.

Việt Nam cũng đề nghị có sự tham gia của các cơ quan phòng, chống tội phạm, nhưng không nhất thiết phải là cơ quan hải quan, mà có cả cơ quan, tổ chức quốc tế khác cũng có chức năng phòng, chống tội phạm và có những kho dữ liệu quý giá cho hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm.

PV: Xin cảm ơn bà!

Đề xuất tiếp tục triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông

Chiến dịch Con rồng Mê Kông là chương trình hành động chung giữa các cơ quan Hải quan và các cơ quan thực thi pháp luật khác của khu vực châu Á - Thái Bình Dương về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã thuộc danh mục CITES trên toàn bộ các tuyến do Hải quan Việt Nam và Hải quan Trung Quốc đồng sáng kiến.

Chiến dịch được khởi động từ năm 2018 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan phòng chống ma túy Liên hợp quốc (UNODC), Văn phòng liên lạc tình báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương (RILO AP) của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO).

Qua 5 giai đoạn (từ năm 2018 đến năm 2023), chiến dịch đã đạt được những kết quả tốt đẹp và đã được RILO AP, các tổ chức thực thi pháp luật quốc tế đánh giá là một trong những Chiến dịch kiểm soát thành công nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về số lượng thành viên tham gia (gần 30 thành viên) và số lượng vụ việc được cập nhật lên hệ thống thông tin chung của Chiến dịch.

Trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2022, hai bên đã ra “Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc”, trong đó có nhấn mạnh nội dung tiếp tục tăng cường hợp tác phòng chống ma túy và buôn bán trái phép các loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng, triển khai chương trình thực thi pháp luật liên hợp “Con rồng Mê Kông", bảo đảm thương mại song phương phát triển an toàn, lành mạnh, cân bằng, thuận lợi.

Chiến dịch này cũng được nhắc tới trong "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc" trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ ngày 12/12/2023 đến ngày 13/12/2023.

Hiện Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp tục triển khai Chiến dịch giai đoạn 6 theo hướng nâng tầm, mở rộng quy mô triển khai chiến dịch.

Với vai trò nước đồng sáng kiến, qua các giai đoạn của Chiến dịch Con rồng Mê Kông, Hải quan Việt Nam đã tích cực tham gia nhóm điều phối chiến dịch, được cộng đồng hải quan quốc tế và các tổ chức thực thi pháp luật đánh giá cao về chất lượng hợp tác, thái độ làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, góp phần nâng cao hình ảnh của Hải quan Việt Nam trong cộng đồng quốc tế.