Xử lý nghiêm hành vi giả danh cán bộ thuế để lừa đảo
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

PV: Như ông đã thấy, tình trạng giả danh cơ quan thuế, cán bộ thuế gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế (NNT) quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế…, nhằm chiếm đoạt tài sản tiếp tục được cơ quan thuế cảnh báo. Vì sao tình trạng này dù đã được cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn xuất hiện, thưa ông?

Xử lý nghiêm hành vi giả danh cán bộ thuế để lừa đảo

Ông Lưu Nguyên Trí: Trong giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, ngành Thuế đã triển khai nhiều dịch vụ thuế điện tử phục vụ NNT. Theo đó, người dân có thể thực hiện các thủ tục về thuế tại nhà, tại trụ sở doanh nghiệp (DN) mà không phải đến cơ quan thuế. Tuy nhiên, các đối tượng xấu đã lợi dụng sự phát triển của các công nghệ mới để giả mạo cán bộ thuế, giả mạo các website, ứng dụng của Tổng cục Thuế để lừa đảo.

Trước tình trạng đó, cơ quan thuế các cấp đã nhiều lần đưa ra thông báo cảnh báo NNT cần cảnh giác với thủ đoạn giả danh cán bộ thuế gọi điện thoại, nhắn tin, dùng công nghệ AI gọi video call qua zalo, viber, telegram..., để tiếp cận NNT, nhằm chiếm đoạt tiền của người dân.

Cùng với đó, cơ quan thuế các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn, phần lớn NNT đã nắm bắt thông tin và hiểu rõ. Tuy nhiên, còn một số trường hợp vẫn bị mắc bẫy vì chưa hiểu hết các thủ đoạn gian xảo, tinh vi của các đối tượng lừa đảo. Các đối tượng thường lợi dụng nhiều biện pháp tác động tâm lý để lấy lòng tin, đánh vào lòng tham, hoặc thậm chí là nỗi sợ hãi của nạn nhân, dẫn dắt theo kịch bản để lừa đảo.

Cơ quan thuế đã nhận diện thủ đoạn của các đối tượng như tự xưng là cán bộ của cục thuế, chi cục thuế gọi điện, yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh giấy phép, căn cước công dân để được hướng dẫn làm thủ tục giảm thuế, hoàn thuế, phục vụ công tác kiểm tra cũng như các nghiệp vụ khác.

Không chỉ gọi điện thoại hướng dẫn cài đặt ứng dụng để nhận thông tin từ cơ quan thuế, các đối tượng lừa đảo còn hăm dọa, thông báo vi phạm pháp luật về thuế để đe dọa, dụ dỗ. Sau đó, gửi tin nhắn hoặc email có chứa đường link file có chứa mã độc hoặc cập nhật thông tin cá nhân để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền.

PV: Cơ quan thuế đã làm gì để bảo vệ NNT không bị các đối tượng xấu lừa đảo, cũng như ngăn chặn tình trạng trên, thưa ông?

Không cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại

Mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng trước các tình huống. Khi nhận các cuộc điện thoại nghi ngờ là giả mạo, người dân cần bình tĩnh trước các thông tin kể cả đối với thông tin có tính chất tạo áp lực đe dọa. Người nộp thuế không nên vội vàng cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại, email, không làm theo hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, đường link giả mạo và cần thông báo ngay cho cơ quan công an địa phương để được hỗ trợ và tư vấn xử lý.

Ông Lưu Nguyên Trí: Nhằm giúp NNT phòng tránh với vấn nạn lừa đảo trực tuyến, Tổng cục Thuế đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như: Tăng cường bảo mật hệ thống để bảo vệ dữ liệu NNT. Tăng cường thông tin qua các kênh của cơ quan thuế như website của cơ quan thuế.

Cùng với đó, ngành Thuế đã nâng cấp ứng dụng eTax Mobile để NNT có thể tra cứu được các thông tin thuế của mình như: số thuế phải nộp, số thuế đã nộp, số thuế nộp thừa, các khoản phạt, cưỡng chế nợ thuế... và tra cứu các thông báo hoàn thuế, tiến trình, trạng thái xử lý các hồ sơ thuế mà người dân đã gửi đến cơ quan thuế, tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo.

Cục thuế các địa phương đã có thư ngỏ gửi đến NNT trên địa bàn, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của cục thuế với các nội dung cảnh báo như: NNT không bao giờ được cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho bất kỳ ai qua điện thoại hoặc mạng xã hội. Kiểm tra kỹ các thông tin liên lạc, đặc biệt là những yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin qua điện thoại.

NNT không cho phép bất kỳ cá nhân nào truy cập trực tiếp vào máy tính, điện thoại của mình để hỗ trợ cải đặt, sử dụng phần mềm của cơ quan thuế. Tuyệt đối không ấn vào các đường link đính kèm trong tin nhắn điện thoại, zalo..., tự nhận là cơ quan, đại diện thuế hướng dẫn làm thủ tục về thuế.

Tuyên truyền để NNT nhận biết chính xác các thông tin liên quan đến ngành Thuế: ứng dụng thuế, cổng thông tin, số điện thoại hỗ trợ... Truy cập vào trang thông tin điện tử chính thức của cơ quan thuế qua địa chỉ có giao thức “https” và tên miền quốc gia "gdt.gov.vn" để xác minh thông tin.

Ngành Thuế cũng tuyên truyền để NNT chủ động cài đặt ứng dụng eTax Mobile trên Aple Store hoặc Google Play để tự tra cứu được các thông tin thuế của mình.

PV: Thời gian tới, cơ quan thuế có các giải pháp gì để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này?

Ông Lưu Nguyên Trí: Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục phối hợp cơ quan công an quyết liệt đấu tranh, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội lừa đảo này.

Cùng với đó, ngành Thuế tiếp tục cung cấp các dịch vụ thuế điện tử để người dùng có nhiều thông tin hạn chế việc tiếp xúc qua điện thoại, qua chat; tiếp tục áp dụng các công nghệ bảo mật tiên tiến để bảo vệ dữ liệu NNT; tiếp tục truyền thông mạnh mẽ đến NNT.

Ngoài ra, để ngăn chặn triệt để tình trạng lừa đảo này, cơ quan thuế đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các đơn vị viễn thông tăng cường quản lý số điện thoại; chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài khoản trên mạng phải xác thực định danh.

Ngành Thuế cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường rà soát trên không gian mạng để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các đối tượng lừa đảo qua đó bảo vệ người dân tránh bị lừa đảo.

PV: Xin cảm ơn ông!

5 chiêu thức giả danh cán bộ thuế lừa đảo

Thời gian qua, ngành Thuế nói chung và cục thuế các tỉnh, thành phố nói riêng đã liên tục cảnh báo tình trạng giả danh cán bộ thuế, cơ quan thuế để thực hiện hành vi lừa đảo người nộp thuế nhưng vẫn có trường hợp mắc “bẫy”.

5 chiêu thức giả danh cán bộ thuế để lừa đảo được cơ quan thuế chỉ rõ gồm: Thứ nhất, các đối tượng giả mạo cán bộ thuế để gọi điện thoại, nhắn tin, kết bạn zalo, cung cấp đường link và hướng dẫn người nộp thuế, quyết toán thuế, hướng dẫn cài đặt các phần mềm giả mạo ứng dụng của cơ quan thuế, nhằm lấy cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng với mục đích chiếm đoạt tài sản.

Thứ hai, kẻ gian giả mạo trang web có giao diện gần giống trang web của cơ quan, doanh nghiệp từ hình ảnh đến nội dung để người dùng nhầm tưởng là trang web của đơn vị cung cấp. Thậm chí có đối tượng còn giả mạo là cơ quan chức năng gửi đường link dịch vụ công VneID giả mạo để người dân truy cập tích hợp với quảng cáo là “tích hợp căn cước công dân và mã số thuế” hoặc hướng dẫn cách điều chỉnh thông tin trên ứng dụng VneID. Sau đó gửi đường link dịch vụ công sửa VneID giả mạo, từ đó chiếm quyền điều khiển điện thoại và lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.

Thứ ba, thủ đoạn giả mạo tin nhắn (SMS) brand name của Tổng cục Thuế để phát tán tin nhắn giả.

Thứ tư, giả mạo cơ quan thuế để gọi điện hăm dọa, sử dụng chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người nộp thuế.

Thứ năm, giả mạo cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ công và yêu cầu cung cấp thông tin, gửi hình ảnh căn cước công dân, sau đó đối tượng gửi các đường link và hướng dẫn giả mạo để chiếm quyền điều khiển điện thoại và thực hiện hành vi lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng.