Đây là nhận định về khả năng VN-Index vượt ngưỡng kháng cự 1.400 điểm của ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) khi trao đổi với phóng viên TBTCO.

Dòng tiền trở lại tích cực hỗ trợ đà tăng cho VN-Index

PV: Thưa ông, thị trường chứng khoán bước qua nửa tháng 10 với nhiều dấu hiệu khá tích cực. Ông có bình luận gì về diễn biến thị trường và đâu là nguyên nhân khiến thị trường và tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Từ đầu tháng 10 tới nay, VN-Index đã tăng hơn 4% so với mức đóng của cuối tháng 9/2021. Tôi cho rằng, diễn biến hồi phục tích cực của thị trường là hoàn toàn hợp lý, bởi hầu hết các thông tin tiêu cực về dịch bệnh, GDP quý III âm và kết quả kinh doanh (KQKD) của nhiều doanh nghiệp sẽ thấp trong quý III/2021 cũng đã phản ánh vào thị trường.

Bước sang tháng 10, với nền điểm số thấp, cộng với những yếu tố hỗ trợ tích cực từ tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát trên phạm vi cả nước, nhiều biện pháp tích cực hỗ trợ nền kinh tế của Chính phủ được thực thi và sắp tới sẽ có kế hoạch tổng thể khôi phục kinh tế kèm theo các gói kích thích lớn,… đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong tâm lý nhà đầu tư. Điều đó đã khiến dòng tiền tích cực trở lại và thị trường chứng khoán đã hồi phục trên nền tảng đó.

Nhiều cơ hội để VN-Index vượt mốc 1.400 điểm trong tháng 10
Ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam.

PV: Ông nghĩ thế nào về mốc 1.400 điểm của chỉ số VN-Index, khi mà tuần qua thị trường đã nỗ lực vượt nhưng bất thành?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Mốc 1.400 điểm của VN-Index cũng chỉ là một ngưỡng kháng cự ngắn hạn đối với thị trường chứng khoán ở giai đoạn đầu hồi phục trở lại. Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán tháng 10/2021 sẽ có nhiều cơ hội để VN-Index vượt qua vùng 1.400 điểm khi xu hướng thị trường đang củng cố trạng thái tăng điểm trung hạn.

Thị trường đang có nhiều kỳ vọng từ nền kinh tế nói chung và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng sẽ hồi phục mạnh trong quý IV/2021, khi Chính phủ sẽ có những biện pháp tích cực để đẩy mạnh đầu tư công, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, để khơi thông dòng vốn hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quá trình tiêm chủng vắc-xin cũng sẽ được đẩy nhanh hơn nữa khi lượng vắc-xin Việt Nam nhận từ các nhà cung cấp về rất nhiều kể từ tháng 10 cho tới cuối năm 2021. Điều này sẽ giúp Việt Nam khôi phục hoàn toàn các hoạt động của nền kinh tế.

Chứng khoán cuối năm sẽ tăng sức hút vì kinh tế phục hồi

PV: Đâu là trợ lực chính để hỗ trợ cho thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm? Nếu nói thị trường có thể đạt mốc 1.500 điểm trong năm nay liệu có quá sớm không, hay chúng ta phải chờ sang đầu năm 2022, thưa ông?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Về yếu tố dòng tiền, chúng tôi nhận thấy dòng tiền nội với mặt bằng lãi suất thấp như hiện tại vẫn tiếp tục là điểm tựa cho sự đi lên của thị trường chứng khoán, bất chấp việc khối ngoại vẫn bán ròng. Số lượng tài khoản mở mới vẫn ở mức cao qua các tháng và điều này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới, khi kênh đầu tư chứng khoán vẫn hấp dẫn dòng tiền so với các kênh đầu tư khác trong điều kiện dịch bệnh và sắp tới là tình trạng “bình thường mới”.

Về yếu tố định giá, hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam có mức định giá khá hợp lý để đầu tư trung hạn. Yếu tố tăng trưởng KQKD của doanh nghiệp niêm yết trong năm 2021 vẫn được nhìn nhận là khả quan bất chấp dịch bệnh đã ảnh hưởng phần nào tới bức tranh chung. Điều này sẽ tạo thêm sức hút cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn quý IV/2021 - quý được kỳ vọng sẽ có sự hồi phục mạnh của nền kinh tế.

Yếu tố hỗ trợ dài hạn là sự kỳ vọng lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong trung hạn khi Việt Nam là một trong những lựa chọn của Mỹ và phương Tây trong việc chọn nơi đặt các nhà máy trong chuỗi sản xuất của thế giới. FDI sẽ là một động lực lớn cho sự tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam. “Nước nổi thì thuyền sẽ nổi” và thị trường chứng khoán sẽ được hưởng lợi lớn từ quá trình đi lên của nền kinh tế. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt nhiều thị trường khu vực và kỳ vọng nâng hạng thị trường lên mới nổi trong giai đoạn 2022 - 2023 là cũng rất sáng.

PV: Theo ông, cuối năm những nhóm ngành nào sẽ là tâm điểm của dòng tiền, bởi tác động của đại dịch sẽ khiến KQKD chắc chắn có sự phân hóa mạnh? Vì sao những ngành đó lại thu hút dòng tiền?

Ông Đỗ Bảo Ngọc: Đầu tư công sẽ là chủ đề trọng tâm cho kế hoạch khôi phục kinh tế của Chính phủ. Chính vì vậy, những ngành nghề hưởng lợi từ đầu tư công sẽ có KQKD khả quan và thu hút được dòng tiền, có thể kể đến là: ngành xây dựng cơ sở hạ tầng, vật liệu xây dựng (thép, xi măng, nhựa đường, đá, nhựa xây dựng).

Chủ đề thứ 2 là những ngành hưởng lợi theo chu kỳ khi kinh tế hồi phục trở lại và giá cả hàng hóa nguyên liệu tăng mạnh, là ngành dịch vụ tài chính (chứng khoán, ngân hàng), cảng biển, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp.

Ngoài ra, là nhóm những ngành có hiệu quả kinh doanh tích cực bất chấp dịch bệnh như nhóm ngành công nghệ, thực phẩm thiết yếu, dược phẩm và y tế.

PV: Xin cảm ơn ông!