Sáng 11/11, các ĐB Quốc hội đã biểu quyết với đa số tán thành thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014.

Năm 2014: GDP tăng 5,8%, lạm phát 7%

Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh trạnh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chủ yếu cho năm 2014 là: GDP tăng khoảng 5,8%; Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; Tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; Tốc độ tăng CPI khoảng 7%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%;...

QH

Để đạt được các mục tiêu trên, Nghị quyết nêu ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Trong đó giải pháp đầu tiên là tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ. Điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và bảo đảm chất lượng tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia bảo đảm trong giới hạn an toàn.

Cùng với đó là giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối với DN và người dân. Tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn tín dụng có hiệu quả; tiếp tục xem xét cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tổ chức tín dụng với DN, HTX và hộ sản xuất.

Tiếp tục thí điểm cho người nước ngoài sở hữu nhà

Đối với thị trường bất động sản, sẽ rà soát, đánh giá, bổ sung chính sách hỗ trợ phù hợp. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Đồng thời, triển khai các giải pháp, thúc đẩy sự tham gia hiệu quả của các DN, các thành phần kinh tế vào quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công. Ưu tiên nguồn vốn xử lý nợ xây dựng cơ bản; rà soát, phân loại toàn bộ danh mục công trình, dự án đang thi công dở dang, tập trung đầu tư hoàn thành, xử lý cơ bản dứt điểm từ nay đến hết năm 2015. Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế việc xây dựng trụ sở cơ quan hành chính, xem xét tiếp tục xây dựng trụ sở cấp xã thật sự cần thiết.

Ban hành hệ thống chính sách hỗ trợ quá trình tái cơ cấu DN nhà nước trên nguyên tắc công khai, minh bạch và gắn với trách nhiệm cá nhân. Nâng dần tỷ trọng nguồn vốn huy động đầu tư của DN thuộc các thành phần kinh tế thông qua phát hành cổ phiếu, trái phiếu DN và có lộ trình giảm tỷ lệ vay vốn đầu tư phát triển DN từ hệ thống ngân hàng thương mại.

Hoàn thiện môi trường pháp lý, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính lành mạnh. Kiểm tra, rà soát sở hữu chéo có tác động méo mó thị trường trong các lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh vàng báo cáo kết quả với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7. Kiểm soát, xử lý nợ xấu theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Bốn giải pháp còn lại được nêu ra là: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tăng đầu tư khu vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế biển; Thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; Mở rộng mạng lưới và nâng cao chất lượng chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế; Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, giải quyết những vấn đề bức xúc xã hội, khiếu nại, tố cáo của công dân; Tích cực tham gia để hình thành Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2015./.

Dương An