Đánh giá dài hạn “axBB+” và ngắn hạn “axB” của Việt Nam trong khu vực ASEAN cũng không đổi.

Báo cáo của S&P cho biết, thu nhập trung bình của Việt Nam thấp, khoảng 2.149 USD năm 2014, là yếu tố chính cản trở xếp hạng tín nhiệm. Mức thu nhập thấp đã khiến Việt Nam có độ linh hoạt về chính sách tài khóa và tiền tệ thấp hơn các nước có thu nhập cao. Bên cạnh đó, khả năng đối phó với các cú sốc kinh tế của Việt Nam còn chưa cao, cũng như khó áp dụng các biện pháp mạnh để chống vỡ nợ.

Tuy nhiên, S&P đánh giá tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam vẫn ở mức cao, nhờ lĩnh vực sản xuất để xuất khẩu đang được đa dạng hóa và hướng tới sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngoài ra, doanh thu từ lĩnh vực sản xuất và dịch vụ ngày càng đóng góp lớn cho GDP và lĩnh vực tư nhân cũng tăng trưởng tốt. S&P dự đoán Việt Nam sẽ đạt thu nhập trung bình trên 3.000 USD vào năm 2017.

Theo S&P, tốc độ tăng trưởng GDP chậm hiện tại phản ánh chính sách nghiêng về ổn định kinh tế, nhằm có thời gian cải tổ hệ thống ngân hàng và các công ty nhà nước hoạt động kém hiệu quả. S&P dự đoán tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2014-2017 là 5%.

Tuy nhiên, tín nhiệm của Việt Nam lại được hỗ trợ bởi tỷ lệ nợ nước ngoài khiêm tốn với lãi suất thấp và kỳ hạn dài. S&P dự đoán tổng nợ nước ngoài tại Việt Nam sẽ xuống dưới 30% GDP trong 3 năm tới. Theo S&P, Việt Nam sẽ ít phải vay nước ngoài và tiếp tục có thặng dư cán cân thanh toán, nhờ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khoảng 4% GDP và lĩnh vực xuất khẩu năng động. Các thỏa thuận thương mại tự do sắp tới cũng sẽ thúc đẩy xuất khẩu./.

Theo VGP