Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7/2022 mặc dù chỉ tăng 1,6% so với tháng 6, nhưng tăng tới 11,2% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 2,2%).

Tính chung 7 tháng của năm 2022, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,6%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,7%; ngành sản xuất phân phối điện tăng 6,4%; ngành khai khoáng tăng 3,6%; ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,5%.

Cũng theo ghi nhận của Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt.

Chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 68,5%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%.

Sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng trưởng hai con số
Sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng trưởng hai con số so với cùng kỳ. Ảnh: TL

Tuy nhiên, chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm 2022 của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: Sản xuất sản xuất từ cao su và plastic giảm 8,4%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1%.

Về tình hình sản xuất cung ứng điện, Bộ Công thương cho biết, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện tháng 7/2022 ước đạt 24,327 tỷ kWh (bao gồm sản lượng điện mặt trời mái nhà bán vào hệ thống), tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2021, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên cả nước.

Theo tính toán của Bộ Công thương, lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 274,336 tỷ kWh, tăng 7,6% so với năm 2021, bằng 99,6% so với mức dự báo tại Quyết định số 3063/QĐ-BCT. Căn cứ kế hoạch cung cấp điện cho các tháng tới, cơ bản năm 2022 sẽ không thiếu điện để phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước.