Nhưng làm đến đích để có tiêu chí cao hơn thì phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh và sự chủ động tích cực của người dân.

Dân làm, dân hưởng

Ông Long cho biết, các lãnh đạo Tỉnh ủy, Thường vụ Tỉnh ủy đi khảo sát khắp nơi, thậm chí thăm một số nước đã làm để tham khảo. Đến khi Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015 đưa vào trong nghị quyết về chương trình xây dựng NTM; sau đại hội, Tỉnh ủy ra Nghị quyết 02-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ.

nông thôn mới ở thái bình
Được tỉnh hỗ trợ xi măng, nhiều thôn, xã đã có bộ mặt khang trang, sạch, đẹp. Ảnh: Đ.V

Có thể nói, Thái Bình là địa phương sớm có nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, đây được coi là định hướng quan trọng, là mục tiêu để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện. Xây dựng NTM tại Thái Bình có 3 cơ chế hỗ trợ, cơ chế đầu tiên theo Quyết định 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 vận dụng vào tình hình của địa phương hỗ trợ bằng tiền cho các công trình cơ sở hạ tầng của địa phương, đây chính là Quyết định 09 của UBND tỉnh (sau đó sửa đổi thành Quyết định 02 là rút bớt tiêu chí hỗ trợ).

“Căn cứ vào Quyết định 09, mỗi một xã về đích xây dựng NTM bình quân chi phí từ 200 đến 300 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương hỗ trợ 1 năm khoảng 100 tỷ đồng; ngân sách tỉnh cũng khoảng đó; mà Thái Bình có 267 xã xây dựng NTM. Như vậy, để về đích phải cần khoảng 200 năm” - ông Long nhấn mạnh.

Từ tình hình đó, ngày 7/2/2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 02, giảm các tiêu chí hỗ trợ, tăng tính huy động đóng góp, tự chủ, chủ động của người dân. Xây dựng NTM dựa trên quan điểm dân là chủ thể, dân làm dân hưởng. Tuy nhiên, xây dựng NTM tại Thái Bình vẫn cứ loay hoay, các xã về đích vẫn cứ èo uột.

“Hiện nay, vướng mắc nhất trong xây dựng NTM của Thái Bình là 2 tiêu chí giao thông nông thôn và hệ thống thủy lợi. UBND tỉnh đã thảo luận gần 1 năm, thống nhất đưa ra triển khai Quyết định 19 ban hành 7/11/2013 (bổ sung một số nội dung của Quyết định 02 về cơ chế, chính sách hỗ trợ và quản lý đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng NTM) trong đó, thực hiện hỗ trợ bằng xi măng” - Ông Long cho biết.

Với phương thức tỉnh hỗ trợ xi măng, dân bỏ tiền xây kè để tôn tạo, mở rộng nền đường, bỏ công làm, lo vật liệu (đá, cát) và máy thi công, tính về giá thành, tổng vốn ngân sách tỉnh bỏ ra khoảng 620 tỷ đồng; huy động vốn từ dân ít nhất gấp 3 lần, tức khoảng khoảng từ 2.000 tỷ đồng…

“Phong trào này vào với dân thì dân hưởng. Cái chính là phương thức quản lý thay đổi; xi măng hỗ trợ về xã trên cơ sở đường đất được quy hoạch. Khi đã được phê duyệt rồi, các thôn tự tổ chức thành lập ban quản lý, dân tự huy động, tự tổ chức thi công, tự giám sát, kiểm tra chất lượng… Cán bộ xã xuống chỉ đạo, hướng dẫn cho dân làm; còn tất cả là do dân làm” - Ông Long nhấn mạnh.

Sẵn sàng “hiến đất” xây dựng NTM

Ghi nhận của phóng viên tại Thái Bình cho thấy, trước khi triển khai, họp dân để đồng tình làm hay không làm; tiếp đến là mức huy động dự kiến của dân. Tổ chức huy động dân; sau đó mới bắt đầu làm. Phong trào vào cuộc mạnh nhất là dịp trước tết, con em ở xa quê về, thấy bà con làm phấn khởi hỗ trợ, có người hỗ trợ từ 4 đến 5 trăm triệu đồng.

Người dân ở đây sẵn sàng hiến đất, nắn đường. Họ cũng rất ủng hộ, người thì dỡ hàng rào, công trình phụ… tất cả đều ra làm đường; có nhà đóng tiền trên đầu người, trên nóc nhà… phương thức đóng góp do xã phát động.

Bên cạnh đó, Thái Bình có chủ trương mua xi măng trả chậm. Lãnh đạo tỉnh, Sở Tài chính và các ngành vào tận các công ty xi măng, đồng thuận trả chậm 6 tháng, giá rẻ thì mua… Sau khi đã thống nhất được thì lên kế hoạch. Các xã đăng ký theo kế hoạch; các thôn đồng ý làm thì đăng ký với huyện. Huyện về kiểm tra đảm bảo quy trình về bề rộng, thông tuyến, nguồn đóng góp của dân ổn định thì đăng ký với tỉnh. Tỉnh giao cho Văn phòng điều phối xây dựng NTM tập hợp báo cáo tỉnh; tỉnh ra quyết định, giao cho Quỹ đầu tư phát triển phối hợp với đơn vị cung ứng xi măng bố trí lịch cấp đến tận nơi cho từng xã…

Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh Thái Bình đã có 14 xã đạt chuẩn NTM; 34 xã đạt 15 đến 17 tiêu chí; 163 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí. Trong đó, có những xã không hỗ trợ gì hoặc có rất ít cũng về đích như xã Thụy An, xã Thụy Phúc (huyện Thái Thụy); xã Nam Thắng, Nam Cường (huyện Tiền Hải); xã Bình Định (huyện Kiến Xương)... Trong năm 2014, tỉnh Thái Bình phấn đấu có 53 xã về đích NTM; như vậy, đến hết năm 2014, toàn tỉnh sẽ có 73/263 xã đạt tiêu chuẩn NTM.

Từ sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền địa phương và quan trọng hơn cả là sự đồng lòng của toàn thể người dân, phong trào xây dựng NTM ở Thái Bình đã tạo nên bộ mặt mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch, đẹp./.

Đỗ Vinh