Thị trường chứng khoán phái sinh thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư

Đề án Xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tại Quyết định số 366/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai đề án, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) và các đơn vị liên quan chuẩn bị các điều kiện cần thiết để đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động. Các sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh được phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao, từng bước đa dạng hóa các sản phẩm giao dịch, phù hợp với tiến trình phát triển của thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu đầu tư và quản lý rủi ro của nhà đầu tư, các tổ chức phát hành.

Ngày 10/8/2017, thị trường chứng khoán phái sinh chính thức được khai trương giao dịch tại HNX, với sản phẩm phái sinh đầu tiên được giao dịch trên thị trường là hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30. Năm 2019, thị trường chứng khoán phái sinh có thêm sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 5 năm. Năm 2021, HNX tiếp tục đưa vào giao dịch sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm.

Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh tại HNX ngày 10/8/2017. Ảnh: Duy Dũng
Lễ khai trương thị trường chứng khoán phái sinh tại HNX ngày 10/8/2017. Ảnh: Duy Dũng

Đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã hoạt động một cách an toàn, hiệu quả và thông suốt, từng bước tăng trưởng ổn định, quy mô và thanh khoản thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với đó, thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam đã cho thấy tính hấp dẫn và phù hợp với thực tiễn thị trường khi ngày càng nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của công chúng đầu tư trong nước và quốc tế.

Số lượng tài khoản giao dịch phái sinh liên tục gia tăng, đạt 1.054.683 tài khoản tại thời điểm cuối tháng 7/2022, gấp 423 lần so với năm 2017. Trong đó, tỷ lệ tham gia thị trường của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng qua từng năm, năm sau tăng gấp 2 - 3 lần năm trước. Nếu như năm 2017, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm tỷ trọng giao dịch 0,1%, đến 7 tháng đầu năm 2022 cho thấy, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 2,2% tổng khối lượng giao dịch trên toàn thị trường chứng khoán phái sinh.

Hệ thống các thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh cũng phát triển nhanh chóng. Từ 7 công ty chứng khoán thành viên khi mới khai trương thị trường, đến nay đã có 23 công ty chứng khoán thành viên tham gia. Các thành viên thị trường chứng khoán phái sinh bên cạnh việc đảm bảo các quy định, đáp ứng các điều kiện về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, điều kiện cung cấp dịch vụ, thì đều phải đảm bảo chặt chẽ các chỉ tiêu về tài chính, trong đó riêng về vốn điều lệ đều phải đạt tối thiểu từ 900 tỷ đồng trở lên.

Thanh khoản tăng trưởng mạnh mẽ

Nếu như năm 2017, khi sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 mới được đưa vào giao dịch, khối lượng giao dịch bình quân chỉ ở mức 10.954 hợp đồng/phiên, thì trong 7 tháng năm 2022, khối lượng giao dịch sản phẩm này đã tăng gấp 21,3 lần, đạt 213.041 hợp đồng/phiên. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 tại phiên giao dịch ngày 21/6/2022 đã đạt 506.025 hợp đồng, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ 10 năm cơ bản đạt mục tiêu đề ra

Ngày 28/6/2021, sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ (TPCP) kỳ hạn 10 năm đã chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán phái sinh. Đây là sản phẩm hợp đồng tương lai thứ ba được niêm yết trên thị trường này. Tính đến hết ngày 28/6/2022, tổng cộng 7.242 hợp đồng được giao dịch, với khối lượng giao dịch trung bình là 28 hợp đồng/ngày.

Trong thời gian một năm qua, sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 10 năm có thanh khoản chưa nhiều. Điều này cũng khá phù hợp với nhận định khi xây dựng sản phẩm, tương đồng với tình hình chung của loại sản phẩm này của các thị trường trong khu vực (như Thái Lan, Malaysia, Đài Loan). Tại các thị trường này, mặc dù không có thanh khoản, song họ vẫn duy trì các sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP để đảm bảo các công cụ sẵn sàng đáp ứng và có thể sử dụng ngay khi thị trường có nhu cầu.

Tuy thanh khoản không cao, song việc ra mắt sản phẩm đã đạt được các mục tiêu đề ra: cung cấp thêm công cụ đầu tư cho thị trường; cung cấp công cụ phòng vệ rủi ro cho các trái phiếu kỳ hạn dài, phù hợp với tình hình phát hành và giao dịch trên thị trường TPCP; bước đệm để tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm tiếp theo cho thị trường.

Cùng với đó, khối lượng hợp đồng mở (OI) của sản phẩm hợp đồng tương lai tại thời điểm cuối tháng 7/2022 đạt 40.232 hợp đồng, tăng gấp 5 lần so với thời điểm cuối năm 2017. Mức OI cao nhất lên tới 61.090 hợp đồng vào ngày 14/1/2021.

Thanh khoản của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đặc biệt tăng mạnh tại những thời điểm chỉ số VN30 giảm mạnh do ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hay sự sụt giảm của chứng khoán toàn cầu.

Đối với sản phẩm hợp đồng tương lai TPCP kỳ hạn 5 năm và 10 năm, khối lượng giao dịch còn ở mức khiêm tốn do các yếu tố đặc thù của sản phẩm. Trong 7 tháng năm 2022, khối lượng giao dịch bình quân đạt 680 hợp đồng/phiên.

Có thể thấy, quy mô và thanh khoản của thị trường chứng khoán phái sinh với sản phẩm nổi trội là hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đặc biệt ấn tượng khi so sánh với dữ liệu các thị trường trong khu vực và trên thế giới, thông thường phải mất tới 7 - 10 năm, thậm chí lâu hơn nữa mới đạt được.

Chứng khoán phái sinh chia sẻ rủi ro cho thị trường cơ sở khi biến động mạnh

Thị trường chứng khoán phái sinh có tác động thúc đẩy thanh khoản cho chứng khoán cơ sở. Khi các hợp đồng phái sinh dễ dàng mua/bán, rủi ro sẽ dễ được chia sẻ thì các thị trường bổ trợ như thị trường cơ sở sẽ nhận được những tín hiệu phản hồi tích cực, các chứng khoán cơ sở được nhà đầu tư lựa chọn giao dịch nhiều hơn để thực hiện các chiến lược đầu tư, nên thanh khoản cũng được thúc đẩy. Khi thị trường cổ phiếu giảm giá mạnh, thanh khoản của thị trường cơ sở có xu hướng giảm do nhà đầu tư có tâm lý bán tháo cổ phiếu. Tuy nhiên nhờ có thị trường phái sinh, nhà đầu tư có thể kinh doanh ngay trong bối cảnh thị trường giảm giá và sẽ hạn chế việc bán tháo, thúc đẩy thanh khoản cho các chứng khoán cơ sở và thị trường chứng khoán cơ sở.

Cùng với đó, thị trường phái sinh còn giúp giảm sự biến động trên thị trường cơ sở và giúp luồng tiền vào thị trường cơ sở được ổn định, lâu dài. Trước khi có thị trường phái sinh, nhà đầu tư thường bắt buộc phải bán cổ phiếu để cắt lỗ khi thị trường cơ sở giảm điểm, tuy nhiên, kể từ khi thị trường phái sinh ra đời, thông qua việc kết hợp mua bán chứng khoán cơ sở và các chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư có thể hạn chế rủi ro khi giá cả biến động bất lợi, nhưng vẫn đảm bảo thu được lợi nhuận nếu giá cả thay đổi. Do đó, chứng khoán phái sinh tạo tâm lý an toàn hơn trong đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, thậm chí trong bối cảnh thị trường giảm giá, góp phần thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán.