Thủ tướng Phạm Minh Chính: Trong những thành tựu chung của cả nước có đóng góp của ngành Y tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị triển khai công tác y tế năm 2022. Ảnh: Trần Minh.

Việt Nam là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năm 2021 vừa đi qua với bao khó khăn, thách thức do dịch Covid-19, song đất nước ta vẫn giành được nhiều thành tựu quan trọng: Giữ ổn định chính trị, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, quan hệ đối ngoại có bước tiến quan trọng, tiếp tục hội nhập sâu rộng; giữ được ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn được đảm bảo... như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “sau một năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhìn lại chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực”.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại, khi dịch bệnh thâm nhập nhanh, nhiễm sâu tại các đô thị, trong khi chưa có vắc-xin, thuốc đặc trị, chúng ta đã áp dụng biện pháp hành chính nghiêm ngặt và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện phòng, chống dịch hiệu quả. Ngành Y tế đã đưa dịch vụ y tế đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm y tế xã lưu động. Kịp thời điều động hơn 300 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.

Ngành Y tế đóng góp vào xây dựng chiến lược vắc-xin, thúc đẩy ngoại giao vắc-xin, thành lập quỹ vắc-xin... và phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân lớn nhất từ trước tới nay. Từ một nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin rất thấp đã vượt lên là 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vắc-xin cao nhất trên thế giới. Đến nay, tỷ lệ bao phủ vắc - xin cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là gần 100%, 2 mũi là 95%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 92%, 2 mũi là 76%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong giảm rõ rệt.

Thực hiện kết luận của Trung ương, với sự tham mưu đắc lực của các bộ, cơ quan, nhất là Bộ Y tế, Chính phủ đã ban hành, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP. Việc chuyển hướng sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” đã phát huy hiệu quả, được nhân dân đồng tình, ủng hộ; nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế đánh giá là quyết sách quan trọng, tạo nền tảng để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai phòng chống dịch được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bài học thành công trước hết là phải tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước mà đứng đầu là Tổng Bí thư Trung ương Đảng; phải bình tĩnh, chắc chắn, giữ bản lĩnh trong lúc khó khăn; chọn được cách tiếp cận đúng mà cụ thể là lấy cơ sở làm nền tảng, người dân là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực; tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; huy động sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội và tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế; càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải phát huy dân chủ.

Tăng cường tự chủ về thuốc, vắc-xin, các loại vật tư thiết yếu

Thủ tướng Chính phủ nhận định, năm 2022 dự báo tình hình quốc tế, trong nước có những thuận lợi, cơ hội, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Biến chủng Omicron và có thể sẽ còn xuất hiện thêm những biến chủng mới khác làm cho dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường hơn.

Trước tình hình đó và trên tinh thần kiên trì, kiên quyết đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ gợi mở thêm một số mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp mà ngành Y tế cần tập trung thực hiện.

Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần bám sát Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ nhân dân.

Tiếp tục tập trung phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện chế độ “trực chiến”, sẵn sàng cho mọi tình huống và thực hiện hiệu quả Kết luận 25 của Bộ Chính trị; triển khai nhất quán quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và xây dựng hệ thống theo dõi, đánh giá.

Tiếp tục triển khai “thần tốc, thần tốc hơn nữa” thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin nhanh chóng, an toàn, khoa học, hiệu quả, đẩy nhanh tiêm vắc-xin cho trẻ em, tiêm mũi tăng cường; có phương án an toàn, hiệu quả mở cửa trường học trở lại; hoàn thành các mục tiêu được giao.

Tăng cường tự chủ trước hết là về thuốc, vắc-xin, các loại vật tư thiết yếu; thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị, trang thiết bị y tế và sinh phẩm trong nước; nhanh chóng xem xét, công nhận vắc - xin, thuốc sản xuất trong nước đảm bảo nguyên tắc khoa học, an toàn, hiệu quả.

“Tập trung nâng cao năng lực điều trị nhằm giảm nguy cơ chuyển nặng và tử vong. Có phương án sẵn sàng tổ chức các trạm y tế lưu động tại các địa bàn diễn biến phức tạp. Tổ chức tốt việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe và điều trị F0; bảo đảm tất cả mọi người nhiễm Covid-19 đều được quản lý, theo dõi, hỗ trợ, chăm sóc y tế phù hợp; dự báo về các biến chủng mới của SARS-CoV-2 và sự xâm nhập vào Việt Nam. “Các biện pháp phòng, chống dịch phải thống nhất trên toàn quốc”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, ngành Y tế cần chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch như cấp phép lưu hành thuốc, vắc-xin, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… và đặc biệt là cơ chế mua sắm. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tiếp tục đổi mới cơ chế, phương thức hoạt động của y tế cấp xã, trước mắt nhằm bảo đảm năng lực ứng phó dịch bệnh Covid-19. Chú trọng chất lượng nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ y tế các tuyến…/.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngành Y tế tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, thật sự thân ái, đoàn kết, nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên. Đẩy mạnh học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng ngành Y tế tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục bằng được những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác y tế năm 2022 với kết quả cao hơn năm 2021.