Khó khăn vẫn bao trùm, nhưng tín hiệu tích cực đang rõ nét Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 Nguồn cung ngoại tệ tích cực kỳ vọng sẽ giúp tỷ giá VND/USD ổn định về cuối năm Tín hiệu tích cực của thị trường bất động sản ngày càng rõ nét
Tín hiệu tích cực cho tăng trưởng kinh tế cuối năm

Nền tảng vĩ mô và tài khóa tạo dư địa cho phục hồi

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 436,44 tỷ USD, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng xuất siêu 19,9 tỷ USD; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2023 ước tính tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 2,6% so với cùng kỳ; tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ...

Dự báo những tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, từ cả tình hình thế giới, khu vực biến động khó lường và những khó khăn trong nội tại nền kinh tế.

Đánh giá tình hình kinh tế, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, trong các tháng còn lại của năm, kinh tế Việt Nam tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức như: những rủi ro, thách thức từ môi trường bên ngoài tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính - tiền tệ Việt Nam.

Những vấn đề nội tại của nền kinh tế như sản xuất công nghiệp sụt giảm, các nút thắt của nền kinh tế (thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp…) mặc dù được tập trung tháo gỡ song cần nhiều thời gian hơn nữa để hồi phục, nợ xấu dù trong tầm kiểm soát nhưng đang gia tăng… đòi hỏi phải lưu tâm trong điều hành.

Mặc dù vậy, nền tảng vĩ mô và tài khóa của Việt Nam tương đối vững chắc sẽ là điểm tựa, tạo dư địa chính sách cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng trong các tháng cuối năm và năm tới.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính tiền tệ Quốc gia, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, nhưng không thể phục hồi nhanh được.

Dự báo tăng trưởng GDP ở mức 5-5,5%

Theo TS. Cấn Văn Lực, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 ở mức 5-5,5%; lạm phát được kiểm soát tốt khi CPI cả năm 2023 ở mức 3,5-4%, các cân đối lớn được bảo đảm, trong đó: cán cân thương mại cả năm 2023 thặng dư từ 14-18 tỷ USD (3-4% GDP), tương đương mức thặng dư khoảng 3,1% GDP năm 2022.

Kinh tế thế giới đang phục hồi, nhưng phải cảnh giác với lạm phát (rủi ro từ xung đột, giá nhiên liệu, giá lương thực); xuất khẩu và nhập khẩu 6 tháng của Việt Nam giảm, song tốc độ giảm đã chậm dần. Đáng lưu ý, một số ngành xuất khẩu như: Điện tử, nông sản có tốc độ phục hồi tốt.

Về thị trường hiện nay, phần lớn đơn hàng xuất khẩu sang châu Âu phục hồi rất chậm do đòi hỏi tín chỉ carbon, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam đều chưa có sự chuẩn bị. Việc xuất khẩu chỉ còn trông cậy vào các thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản; lĩnh vực dịch vụ như du lịch, ăn uống, đi lại cũng đang phục hồi khá tốt.

“Vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là cầu tiêu dùng nội địa vẫn yếu, phục hồi chậm. Tuy nhiên, dự báo khoảng quý IV/2023, nền kinh tế sẽ phục hồi rõ nét hơn, chỉ số quản lý thu mua (PMI) có thể đạt 50 điểm hoặc hơn” - TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Thúc đẩy ba động lực để tăng trưởng

Để hỗ trợ hiệu quả tăng trưởng theo mục tiêu đề ra, theo chuyên gia kinh tế - TS. Ngô Trí Long, những tháng cuối năm, Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực gồm tiêu dùng trong nước, đầu tư công và xuất khẩu các mặt hàng thuộc thế mạnh như nông sản.

TS. Ngô Trí Long phân tích, trong ba động lực đó, nguồn cầu có ý nghĩa quan trọng, nên Nhà nước đã tìm mọi biện pháp để phục hồi cầu, kích thích tăng trưởng. Vấn đề thứ hai là cần có chính sách đẩy mạnh và tăng cường giải ngân vốn đầu tư công. Theo đó, Chính phủ cần tập trung toàn bộ sức lực, sử dụng hệ thống chính trị đồng bộ từ trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp để thực hiện.

Động lực tăng trưởng thứ ba là vấn đề xuất khẩu, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hiệp định thương mại tự do FTA và tăng cường các dịch vụ du lịch quốc tế nhằm tạo ra nguồn thu cho đất nước.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, cần tiếp tục nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 6/1/2023; các chỉ thị, nghị quyết, nghị định gần đây của Quốc hội, Chính phủ. Đồng thời, tiếp tục bám sát và chủ động phân tích, dự báo tình hình kinh tế, tài chính quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, xăng dầu, thanh khoản ngân hàng…); cũng như xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể để tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, của các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp.

Cùng với đó, quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, bởi theo đánh giá, nếu giải ngân được 95% tổng vốn 713 nghìn tỷ đồng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đầu tư Nhà nước có thể tăng 30%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 13,2% và đóng góp 2 điểm % vào tăng trưởng GDP năm 2023; kích cầu tiêu dùng nội địa, theo tính toán tiêu dùng (loại trừ yếu tố giá) tăng thêm 1 điểm % sẽ giúp GDP tăng thêm 0,2 điểm %; quan tâm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, khai thác tốt hơn các FTA đã ký kết; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh để thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước; triển khai hiệu quả các biện pháp khuyến mại, kích cầu thương mại và du lịch trong nước; quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là về vấn đề pháp lý và tiếp cận thị trường...

Chú trọng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công

Tại buổi họp báo công bố Báo cáo điểm lại kinh tế Việt Nam 2023 diễn ra mới đây, theo chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần đặc biệt chú trọng giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, vì đây là động lực tăng trưởng hàng đầu.

Theo đó, các cơ quan chức năng cần và nên đặt ra các mục tiêu cụ thể về việc thực hiện các chương trình đầu tư lớn của quốc gia; linh hoạt trong đấu thầu, tiến hành một số hoạt động đấu thầu trước để nâng cao hiệu quả đầu tư công; bảo đảm trách nhiệm giải trình của các cấp.

Bên cạnh đầu tư công, chuyên gia của WB cho rằng, các chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại cũng là cách hỗ trợ tổng cầu. Nợ vẫn ở mức bền vững và Việt Nam vẫn còn dư địa tài khóa dồi dào để sử dụng chính sách tài khóa nhằm hỗ trợ cho tổng cầu.

Cùng với giải pháp ngắn hạn, WB lưu ý cơ cấu nền kinh tế cần được thực hiện để giúp nâng cao năng suất và tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế. Do đó, cùng với các giải pháp thúc đẩy đầu tư công và kích thích tiêu dùng trong nước, WB khuyến nghị, cần chính sách hỗ trợ cho xuất khẩu và thúc đẩy hội nhập.