Khó khăn bủa vây doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh

Thông tin về thực trạng của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh tại buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh (HUBA), khẳng định tình hình rất kém lạc quan. Cụ thể, số lượng DN có doanh thu tăng quý cuối năm 2022 chỉ còn chiếm 22%, so với tỷ lệ 26% của quý trước.

Quang cảnh buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh Việt Dũng
Quang cảnh buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp của chính quyền TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Việt Dũng

Ông Nguyễn Ngọc Hòa cũng nêu sự khó khăn của một số ngành nghề như: ngành mỹ nghệ chế biến gỗ, đơn hàng sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động cầm chừng, nhất là các DN nội địa; riêng ngành vật liệu xây dựng thì xuất khẩu sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt tại các thị trường trọng điểm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu; thép thì giá giảm 60% do lượng cung quá lớn trong khi cầu giảm, sản lượng xuất khẩu giảm hơn 69%; xi măng cũng ế ẩm, xuất khẩu giảm 55%, cầu của thị trường trong nước sụt giảm mạnh...

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước cần có thêm chính sách hỗ trợ DN như vốn, tín dụng các lĩnh vực ưu tiên đối với DN sản xuất, nhập khẩu…

Trong khi đó, theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, không chỉ DN lớn mà cả các DN vừa và nhỏ, người bán buôn, bán sỉ và bán lẻ đa số cũng cảm nhận chưa khi nào làm ăn khó khăn như lúc này.

‘‘Với lãi suất cho vay trên 10% như hiện nay thì để tồn tại và duy trì hoạt động, DN rất áp lực, phải cố gắng cân đối để đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động chứ chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi...’’ - bà Lý Kim Chi cho biết.

Để giảm áp lực và hỗ trợ DN TP. Hồ Chí Minh đối mặt với những khó khăn, thách thức trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, trung ương và thành phố cần nhanh chóng thực hiện nhiều giải pháp giúp tháo gỡ.

Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nêu tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp. Ảnh Việt Dũng
Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nêu tình hình khó khăn chung của doanh nghiệp. Ảnh: Việt Dũng

Chủ động tháo gỡ vướng mắc theo từng nhóm, từng doanh nghiệp cụ thể

Nói về các đề xuất kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho biết, với những vấn đề của thành phố như thủ tục, vốn vay, lãi suất... thì thành phố phải nỗ lực để khắc phục nhanh và ngay, còn những vấn đề phát sinh mới thì sẽ xem xét tháo gỡ trong thẩm quyền của thành phố.

“Từng doanh nghiệp cần đề xuất cụ thể, rõ ràng trong từng lĩnh vực và thành phố sẽ tổ chức thực hiện chỉ đạo trong thời gian tới với quyết tâm không làm phụ lòng DN” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu tập hợp những đề xuất kiến nghị trên, tổng hợp lại tất cả những kiến nghị cụ thể của từng DN để UBND thành phố có cơ sở chỉ đạo, giao các sở, ngành trực tiếp tháo gỡ, giải quyết theo hướng: các sở, ngành có liên quan sẽ chủ động mời từng nhóm hoặc mời từng DN để nghe, giải quyết cho từng trường hợp.

Về hoạt động công vụ, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan thừa nhận, thành phố hiện làm chưa tròn, còn tình trạng sợ trách nhiệm, đùn đẩy. Chính vì vậy, các sở, ngành cần tập trung khuyến khích cán bộ, nghiên cứu đề xuất những ý kiến để khắc phục tình trạng pháp luật thì nhiều nhưng chồng chéo, thủ tục phức tạp..., nâng cao tinh thần trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ công chức.

Theo Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan, thời gian tới chính quyền TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục gặp gỡ DN BĐS, đặc biệt có hội nghị đối thoại và kết nối giữa ngân hàng với cộng đồng DN trên địa bàn. Cuộc gặp gỡ này sẽ có sản phẩm cụ thể, DN cụ thể với lượng vốn cụ thể giải ngân và mức lãi suất cụ thể để DN có thể triển khai thực hiện bổ sung, phát triển sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh kiến nghị chính quyền TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai lại chương trình cho vay kích cầu đầu tư như mở rộng ngành nghề, nâng số vốn cho vay; chuyển đổi đất nông nghiệp chưa sử dụng để hỗ trợ mặt bằng cho DN có mặt bằng sản xuất; điều chỉnh chính sách cho thuê đất phù hợp với thực tế…