NHP

Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư Ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến chương trình kỳ họp sẽ bổ sung một số nội dung: Xem xét, quyết định việc tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN); xem xét việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; các báo cáo của Chính phủ về tài chính nhà nước năm 2018; tình hình triển khai thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia (như dự án Sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ…); tổng kết Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 04/10/2018 về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, do thời gian tiến hành kỳ họp rất hạn chế nên đề nghị chuyển sang kỳ họp sau các nội dung không kịp trình tại phiên họp thứ 45 và chưa thật sự cấp thiết như: Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết về công nhận và cho thi hành phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU.

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 19 ngày. Đợt 1 là 9 ngày, từ ngày 20 đến 29/5, đợt 2 là 10 ngày, từ ngày 8 đến ngày 18/6, dự phòng ngày 19/6/2020.

Về công tác chuẩn bị, đối với chuẩn bị tài liệu, đến thời điểm này, có tương đối ít tài liệu chính thức được gửi đến đại biểu Quốc hội (dự thảo 4 Nghị quyết; Tờ trình của 2 dự án Luật; Báo cáo thẩm tra của 1 dự án Luật; 4/17 nội dung gửi đại biểu tự nghiên cứu). Tổng thư ký Quốc hội đề nghị UBTVQH chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung để gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

Kết luận một số nội dung làm việc, UBTVQH cơ bản nhất trí với báo cáo và dự kiến Chương trình kỳ họp. Đồng thời, thống nhất rằng giữa đợt họp 1 và đợt họp 2 cần có một khoảng thời gian để các Ủy ban hoàn thiện các báo cáo. Ngoài ra, dự kiến sau phiên họp này sẽ có một phiên họp 45B để UBTVQH tiếp tục cho ý kiến về một số vấn đề sẽ đưa ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9.

Trước đó, chiều 15/5, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã tổ chức phiên họp mở rộng thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Theo tờ trình của Chính phủ, mức vốn tự có thiếu hụt của Agribank giai đoạn 2019 - 2021 để đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II rất lớn. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã thống nhất việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank là cần thiết, cấp bách, có căn cứ thực hiện và cần thực hiện ngay trong năm nay. Nguồn vốn cấp bổ sung từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019. Mức bổ sung vốn điều lệ tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng.

Tuy nhiên theo quy định tại Khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 25/2016/QH14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 quy định không dùng NSNN để cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại. Do vậy, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ NSNN phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

H.Y