Áp lực “đè nặng” tỷ giá thấy rõ sau khi FED tăng lãi suất

Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), FED tăng lãi suất USD mạnh hơn đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam.

Tại thời điểm ngày 21/9/2022, chỉ số Dollar-Index (đo lường sức mạnh của đồng USD so với rổ tiền tệ) đạt 110,6 điểm, tăng +15,6% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục tăng trong những ngày gần đây. USD mạnh hơn khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng khoảng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên 23.688 đồng - mức cao nhất lịch sử. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước ấn định cho cặp tỷ giá USD/VND ở mức 23.316 đồng, tăng 0,7% so với cuối năm 2021 và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do cũng đã tăng khoảng 2,7% kể từ đầu năm 2022.

Nguồn: Bloomberg, SSI.
Nguồn: Bloomberg, SSI.

Trong báo cáo cập nhật vừa mới phát hành, các chuyên gia của SSI Research cũng cho biết thêm, đồng USD vẫn duy trì được sức mạnh của mình và chỉ số Dollar-Index đã tăng 2,1% trong tuần qua, lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Các đồng tiền chủ chốt khác đều ghi nhận mức giảm mạnh so với USD như EUR -2,64%, GBP -2,29%,…, trong khi đó, JPY tăng nhẹ +0,16% nhờ động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản.

Tỷ giá USD/VND trong tuần qua cũng ghi nhận mức tăng mạnh, tương đồng với các đồng tiền khác trong khu vực. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 65 đồng cho cả 2 chiều mua vào/bán ra, trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng tuần ở mức 23.705 VND/USD, tương đương tăng 0,23% so với cuối tuần trước và 3,86% so với cuối năm 2021.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) bày tỏ: “Lo ngại của chúng tôi về kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền đồng đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng cao. Hiện chỉ số đồng USD đang được giao dịch ở mức 113,3 điểm, cao hơn 4,2% so với cuối tháng 8. Trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nước khác không kiên quyết đối phó với vấn đề lạm phát tăng cao như FED, chúng tôi cho rằng đồng USD sẽ có thể trở lại mức đỉnh cũ đã thiết lập vào đầu năm 2022 ở mức 120,3 điểm. Điều này đồng nghĩa với sức ép lên tỷ giá trong nước là không thể tránh khỏi khi các bộ đệm để giúp ổn định tỷ giá đã suy yếu phần nào” – chuyên gia của VDSC cho hay.

Áp lực còn nhưng sẽ dịu dần

Các chuyên gia của VDSC dự báo, kịch bản mất giá với tiền đồng kỳ vọng cho cả năm 2022 khi đồng USD tăng mạnh là từ 4 - 5%. Hiện tại, dù chênh lệch lãi suất VND - USD trên thị trường liên ngân hàng vẫn dương đáng kể nhưng nhu cầu USD trong hệ thống vẫn chưa hạ nhiệt.

Trong khi đó, theo chuyên gia của SSI Research, từ nay đến cuối năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm nhờ nguồn cung ngoại tệ. Trên thực tế, số liệu FDI giải ngân trong 9 tháng năm năm 2022 vẫn tương đối tích cực, đạt 15,8 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ và là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Đinh Quang Hinh đánh giá, so với các đồng tiền trong khu vực, VND vẫn là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Kể từ đầu năm 2022 (dữ liệu tính đến ngày 21/9/2022), hầu hết các loại tiền tệ trong khu vực đã giảm hơn 5% so với USD, bao gồm Peso Philippines (-12,6% so với USD), Baht Thái Lan (-11,6% so với USD), Nhân dân tệ của Trung Quốc (-11,6% so với USD), Ringgit Malaysia (-9,7% so với USD) và Rupiah Indonesia (-5,4% so với USD).

Áp lực lên tỷ giá còn tăng song có thể hạ nhiệt vào năm 2023

“Chúng tôi cho rằng, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022. Sang năm 2023, chúng tôi kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VND tăng giá so với USD trong năm” - ông Đinh Quanh Hinh nhận định.

“Chúng tôi cho rằng, tỷ giá hối đoái sẽ tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao, khi FED duy trì lộ trình tăng lãi suất. Tuy nhiên, VNDIRECT vẫn nhận thấy những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm: dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện (dự báo đạt khoảng 8,9 tỷ USD trong năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối đạt ngưỡng an toàn (tương đương 3,3 tháng nhập khẩu). “Tựu chung lại, chúng tôi dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng 3,5 - 4% so với đồng USD trong năm 2022” – ông Hình cho hay.

Nhìn dài hạn hơn cho năm 2023, chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam sẽ hạ nhiệt đáng kể và dự báo VND sẽ tăng giá so với USD trong năm 2023. Nguyên nhân được ông Đinh Quanh Hinh đưa ra để lý giải cho nhận định trên gồm: FED chuyển từ "thắt chặt chính sách tiền tệ" sang "bình thường hóa chính sách" trong năm tới; lãi suất USD giảm nhẹ trong nửa cuối năm 2023; lãi suất VND duy trì xu hướng tăng trong năm 2023; bộ đệm tốt từ thặng dư thương mại, thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cải thiện trong năm 2023.