Chính phủ thông qua đề xuất trình Quốc hội giảm 2% thuế giá trị gia tăng Đề xuất Quốc hội giảm thuế giá trị gia tăng với mọi hàng hóa, dịch vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Doanh nghiệp còn khó khăn, giảm thuế là cần thiết

Thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, thời gian tới, dự báo doanh nghiệp còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn nên việc tiếp tục thực hiện chính sách này là rất cần thiết. Nếu làm rõ việc giảm thuế sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tác động lan tỏa các lĩnh vực khác thì có thể mở rộng giảm thuế đối với tất cả các mặt hàng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn tác động chính sách giảm thuế đến kích thích tiêu dùng như thế nào; đồng thời tác động của chính sách đến giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN), để đại biểu Quốc hội có thêm thông tin.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giới hạn số lĩnh vực được giảm thuế giá trị gia tăng
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Cũng đồng ý chủ trương giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% để phục hồi phát triển kinh tế, hỗ trợ cho doanh nghiệp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ trong năm 2023, cùng với gói hỗ trợ mà Quốc hội, Chính phủ đã và đang ban hành, ước tính các chính sách hỗ trợ sẽ vào khoảng 190 nghìn tỷ đồng, trong đó gia hạn là 110 nghìn tỷ đồng, miễn giảm thuế, phí… là 80 nghìn tỷ đồng, chưa kể một số chính sách mà Chính phủ đang tiến hành liên quan đến thuế nhập nhẩu, xuất khẩu. Theo Tổng Thư ký Quốc hội, các chính sách như vậy sẽ hỗ trợ phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Về các nội dung cụ thể, Tổng Thư ký Quốc hội cơ bản tán thành nội dung dự thảo Nghị quyết như Chính phủ trình. So với Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, dự thảo nghị quyết mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho toàn bộ hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất GTGT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khoáng sản, không kể khai thác than (than cấp, dầu mỏ tinh chế), sản phẩm hóa chất và sản phẩm hàng hóa và chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB)… như chính sách áp dụng năm 2022.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, đây cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng, do đó không nên loại trừ. Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị báo cáo thêm về sự cần thiết giảm thuế đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 5%.

Giảm thuế nhưng không được giảm thu ngân sách, tăng bội chi

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với chủ trương giảm thuế GTGT, tuy nhiên đề nghị phạm vi áp dụng như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Theo Chủ tịch Quốc hội, các nội dung của Nghị quyết 43/2022/QH15 đã đánh giá tính toán kỹ lưỡng, tư duy giảm thuế để kích cầu, từ đó tăng thu là đúng đắn. Tuy nhiên, tình hình hiện nay khác với thời điểm ngay sau đại dịch, tình hình thu ngân sách của năm 2023 là rất khó khăn, doanh nghiệp và người dân đang gặp nhiều khó khăn, nên điều băn khoăn là liệu khi ban hành chính sách có thực sự kích cầu hay không. Trên cơ sở thực tiễn đã có, Chủ tịch Quốc hội đề nghị áp dụng phạm vi áp dụng chính sách giảm thuế như Nghị quyết 43/2022/QH15.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giới hạn số lĩnh vực được giảm thuế giá trị gia tăng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp.

Trong dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần quy định Chính phủ có trách nhiệm triển khai kịp thời, sao cho vừa giảm thuế để kích cầu, lấy phần kích cầu để bù vào phần hụt thu, có lợi cho cả người dân, doanh nghiệp nhưng không làm giảm thu ngân sách. UBTVQH, Quốc hội yêu cầu không được làm giảm thu ngân sách theo dự toán đã được duyệt và không được tăng bội chi ngân sách của 2023, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Khi trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan xem xét đưa nội dung này bố trí thảo luận cùng với thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, thảo luận tổ, thảo luận hội trường và đưa vào quy định trong nghị quyết chung của kỳ họp, bảo đảm đúng trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại phiên họp, nhấn mạnh những khó khăn của nền kinh tế cũng như khó khăn của doanh nghiệp và người dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trân trọng cảm ơn UBTVQH đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ về giảm thuế GTGT để góp phần kích cầu nền kinh tế. Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ tiếp thu, thực hiện theo ý kiến của UBTVQH để hoàn thiện dự thảo nghị quyết, trình ra Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây.

Từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trước dự báo tình hình còn nhiều rủi ro, thách thức, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất áp dụng cho năm 2023.

Cụ thể, đã trình UBTVQH ban hành Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu trong năm 2023, khi áp dụng dự kiến sẽ giảm thu NSNN khoảng 38 nghìn tỷ đồng; ban hành Nghị định số 12/2023/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, dự kiến xem xét gia hạn hơn 110 nghìn tỷ đồng; dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất năm 2023 sẽ được xem xét, ban hành trong thời gian sớm nhất, dự kiến số tiền thuê đất được giảm năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan để nghiên cứu việc gia hạn thời hạn nộp thuế TTĐB với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ cho biết sẽ sớm ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó có quy định việc điều chỉnh thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm hàng hóa là nguyên liệu, vật tư đầu vào cho sản xuất... nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất.