Đối thoại
Việt Nam, Tanzania, Kenya và Mozambique hợp tác phòng chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Ảnh: NNK

Ngày 3/11/2015, tại Hà Nội, Cơ quan quản lý Cites Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp) tổ chức Đối thoại đa phương về hợp tác phòng chống tội phạm động vật hoang dã (ĐVHD) xuyên biên giới.

Bà Hà Thị Thu Nga, Giám đốc Cơ quan quản lý Cites tại Việt Nam (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) cho biết, những năm gần đây buôn bán ĐVHD ở các nước thuộc Cơ quan quản lý Cites có xu hướng ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới quần thể tự nhiên trên thế giới.

Buôn bán trái phép ĐVHD không chỉ làm ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái, sinh tồn của các loại động vật trong tự nhiên mà còn cướp đi sinh kế của cộng đồng địa phương, người dân bản địa, đặc biệt là làm ảnh hưởng hiệu quả quản trị của nhiều chính phủ.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam, Tanzania, Kenya và Mozambique đang cùng đối mặt với nhiều thách thức to lớn trong vấn đề phòng chống buôn bán và vận chuyển trái phép ĐVHD qua biên giới. Đặc biệt là công tác phòng chống đấu tranh buôn bán ngà voi, sừng tê giác.

Việt Nam được biết đến là một quốc gia trung chuyển hàng hóa buôn lậu các sản phẩm ĐVHD có nguồn gốc Châu Phi và tiêu thụ các mẫu vật ĐVHD. Trong 5 năm qua, có trên 30 tấn ngà voi được các cơ quan bắt giữ tại Việt Nam, 300 kg sừng tê giác, 1,471kg vảy tê tê …

Bởi vậy, hợp tác đa phương giữa các cơ quan thực thi và các nước đóng vai trò quan trọng nhằm chia sẻ thúc đẩy sự tăng cường năng lực, cung cấp các cơ sở pháp lý điều tra chống buôn bán trái phép ĐVHD.

Theo bà Nga, trong 5 năm tới, Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm nóng về buôn bán trái phép động vật hoang dã. Vì vậy, công tác phòng chống tội phạm ĐVHD vẫn còn nhiều gian nan và thách thức. Trước tiên do có sự chồng chéo giữa các văn bản pháp luật, quy định chưa đầy đủ, cụ thể giữa các cơ quan thực thi. Thiếu nguồn lực, hạn chế về năng lực.

Không những vậy, tội phạm động vật, thực vật hoang dã chưa nằm trong ưu tiên quan tâm so với tội phạm khác. Ngoài ra, nhận thức của cộng đồng về sự nguy cấp cũng như các quy định pháp luật bảo vệ các loài động vật, thực vật hoang dã còn hạn chế. Đặc biệt, hợp tác quốc tế, liên biên giới thiếu hoặc có nhưng chưa có cơ chế thực hiện các hoạt động tại hiện trường.

Thời gian tới, nhằm tăng cường thực thi Cites, bà Nga nhấn mạnh, cần ưu tiên huy động tài chính, kỹ thuật hỗ trợ các cơ quan thực thi. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong đó hợp tác với các nước láng giềng là ưu tiên của Việt Nam trong thực thi Cites. Song song đó, sửa đổi văn bản pháp lý nhằm tăng cường xử lý hình sự tội phạm buôn bán trái phép động vật hoang dã là cấp thiết.

Phúc Nguyên