Chuyện
Ngà voi sơn đen để qua mắt lực lượng chức năng song bị phát hiện, tịch thu. Ảnh: Hà Thái

Số lượng tang vật liên tục “tăng trưởng nóng”

Cuối năm 2013, Cục Hải quan Hải Phòng chủ trì bắt giữ nhiều vụ nhập lậu ngà voi ngụy trang trong vỏ ốc. Tang vật thu giữ lên đến nhiều tấn ngà voi.

Tháng 5/2014, Hải quan Hải Phòng phát hiện, thu giữ khoảng 1,5 tấn ngà voi trong lô hàng “than củi các loại, mới 100%”, nhập theo loại hình tạm nhập - tái xuất của Công ty CP Xây dựng thương mại Du Hương (Móng Cái, Quảng Ninh). Đến cuối năm 2014, đơn vị tiếp tục phát hiện khoảng 1 tấn ngà voi nhập về cảng Hải Phòng, trong container hàng được khai báo là găng tay cao su.

Bẵng đi một thời gian, thấy việc kiểm soát tại cảng Hải Phòng bị siết chặt, các đối tượng chuyển hướng các lô ngà voi nhập lậu sang cảng Đà Nẵng; sau đó quay trở lại vào năm 2019. Ngay đầu năm, ngày 25/1/2019, Cục Hải quan Hải Phòng kiểm tra phát hiện, thu giữ hơn 2 tấn ngà voi ngụy trang trong container hàng hóa được khai báo là gỗ gõ.

Ngày 17/4/2019, khám xét một lô hàng nhựa đường nhập khẩu có dấu hiệu nghi vấn, cơ quan hải quan phát hiện ngoài 700 kg nhựa đường đóng trong các thùng phuy được xếp bên ngoài cửa container, bên trong các thùng phuy còn lại cất giấu gần 3,5 tấn ngà voi châu Phi và gần 4 tấn vảy tê tê.

Năm 2023, Hải quan Hải Phòng liên tiếp chủ trì phối hợp triệt phá 4 vụ vận chuyển trái phép ngà voi châu Phi, thu giữ tổng số 8,3 tấn ngà voi tang vật. Và mới đây nhất, ngày 23/3/2024, đơn vị cũng chủ trì phối hợp kiểm tra 1 lô hàng và phát hiện nhiều bao tải dứa chứa 547 khúc ngà voi, với tổng trọng lượng 1,58 tấn ngà voi.

“Tiến hóa” về thủ đoạn

Chuyện "phía sau" những chuyên án buôn lậu ngà voi

Trao đổi với một công chức có nhiều kinh nghiệm trong việc bắt giữ ngà voi của Cục Hải quan Hải Phòng được biết, tội phạm buôn lậu ngà voi hết sức tinh vi, đa dạng. Mỗi vụ việc lại có những thủ đoạn khác biệt.

Về vận chuyển, tội phạm sử dụng rất nhiều “con đường”. Điển hình như vụ bắt giữ hơn 7,6 tấn ngà voi và sản phẩm từ ngà voi (ngày 20/3/2023). Đây là vụ nhập lậu ngà voi lớn nhất được bắt giữ tại cảng Hải Phòng từ trước đến nay và cũng là một trong những vụ bắt giữ ngà voi lớn nhất ở Việt Nam trong những năm qua.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Cục Hải quan Hải Phòng đã phân tích, đánh giá bằng máy soi 6 container nghi vấn, qua đó xác định lô hàng gồm 3 container (khai báo là hạt lạc) có dấu hiệu rủi ro rất cao. Kiểm tra thủ công lô hàng phát hiện 1 container chứa ngà voi.

Lô hàng xuất phát từ Angola, sau đó được chuyển tải tại Singapore nhằm che giấu tuyến đường vận chuyển; mô tả tên hàng hóa bằng ngôn ngữ không phổ thông (lạc nhân) và sử dụng thông tin người nhận hàng không chính xác... Vào thời điểm đó, đây là thủ đoạn mới, hết sức tinh vi nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan.

Về cất giấu, chúng thường để ngà voi ở cuối container và ngụy trạng phía ngoài bằng rất nhiều loại hàng hóa như vỏ ốc, hạt đỗ, găng tay cao su, nhựa phế liệu; đóng trong hộp gỗ, thậm chí trong container cá khô, thùng nhựa đường, hạt lạc khô…

Buôn lậu bất chấp vì lợi nhuận

Nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng buôn lậu ngà voi vẫn phức tạp xuất phát từ lợi nhuận. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lợi nhuận từ buôn bán động vật hoang dã (trong đó có ngà voi) hay tội phạm môi trường nói chung chỉ đứng sau buôn bán ma túy, buôn bán người và hàng giả.

Đáng báo động là ngà voi được buôn lậu với số lượng lớn, được tổ chức bài bản, núp bóng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, thậm chí dùng cả doanh nghiệp “ma”. Để có thể phát hiện, lực lượng hải quan đã phải vận dụng rất nhiều biện pháp đấu tranh, cả bằng nghiệp vụ, bằng kinh nghiệm, cả bằng thông tin tình báo cũng như ứng dụng các công cụ hiện đại.

Đơn cử trong vụ việc mới nhất ngày 23/3/2024, gần 1,6 tấn ngà voi được sơn đen hòng “đánh lừa” hệ thống soi chiếu container cất giấu trong một lô hàng. Lô hàng do một doanh nghiệp có địa chỉ tại Nigeria gửi cho Công ty TNHH MTV TPQ Vina (địa chỉ tại Lạng Sơn). Công ty TPQ Vina đã làm thủ tục nhận lệnh giao hàng với hãng tàu, nộp các khoản phí và hãng tàu đã cấp lệnh giao hàng cho người nhận hàng trên vận đơn. Tuy nhiên, công ty này chưa mở tờ khai hải quan để làm thủ tục nhập khẩu lô hàng.

Qua điều tra xác minh TPQ Vina đăng ký hoạt động khai báo thuế từ năm 2016. Nhưng từ đó đến nay, công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, không có biển hiệu, không khai báo số liệu nhập khẩu với cơ quan thuế địa phương. Giám đốc và người đại diện pháp luật của công ty là bà N.T.G (sinh năm 1995, thường trú tại Phú Thọ).

Làm việc với cơ quan chức năng, bà N.T.G cho biết, đang làm việc tại một công ty điện tử tại tỉnh Phú Thọ chứ không hề thành lập hay tổ chức điều hành hoạt động của Công ty TPQ Vina. Song, bà N.T.G có cho hay, trước đó, khoảng năm 2015 hoặc 2016 trong chuyến đi du lịch tại Bắc Ninh đã làm rơi chứng minh nhân dân. Với kết quả trên, lực lượng hải quan xác định có nhiều dấu hiệu cho thấy Công ty TNHH MTV TPQ Vina là doanh nghiệp “ma”.

Có thể nói, chiêu thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngà voi liên tục thay đổi. Tuy nhiên, qua các vụ việc bắt giữ cho thấy tinh thần cảnh giác cao độ, sự chủ động, hiệu quả trong nghiên cứu, thu thập thông tin, xác định lô hàng trọng điểm, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, nhất là máy soi container đã giúp cơ quan hải quan kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, có tính răn đe hiệu quả đối với các đối tượng khác đang có ý định buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa thuộc danh mục CITES về Việt Nam nhằm thu lợi bất chính./.