Rủi ro thế giới đạt đỉnh

Sau khi thị trường Việt Nam kết thúc tuần giao dịch, chứng khoán Mỹ và châu Âu đột ngột chìm trong sắc đỏ phiên cuối tuần. S&P 500 giảm 1,03%, DJA giảm 1,48%. Tưởng như đây chỉ là diễn biến 1 ngày, bất ngờ ngay phiên đầu tuần, các thị trường tương lai của Mỹ lại giảm tiếp gần 1,5% nữa. Chứng khoán châu Âu mở cửa đã giảm sâu ở nhiều chỉ số, từ 1,5% đến trên 2%... Cùng với đó là giá dầu giảm trên 4%...

Diễn biến giảm liên tiếp với cường độ cao như vậy chắc chắn có ảnh hưởng đến tâm lý chung. Mặc dù có thể thị trường Việt Nam đã tách biệt đáng kể, hay có nội lực tốt từ dòng vốn cá nhân trong nước, nhưng bức tranh chung luôn có tác động qua lại.

Lo ngại thế giới, thị trường mất điểm
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Các chỉ số lớn và quan trọng trên thế giới như S&P500 đều đã kiểm định đỉnh lịch sử tuần qua và quay đầu giảm. Nếu diễn biến giảm tiếp tục, nghĩa là các thị trường này có khả năng đạt đỉnh và điều chỉnh ngắn hạn. Trong nước, VN-Index cũng đã có đỉnh 1500 điểm cách đây 4 tuần và lần phục hồi này chưa chạm tới được. Nói cách khác, diễn biến các chỉ số trên thế giới cũng như ở Việt Nam là tương đối giống nhau.

Nguy cơ điều chỉnh ngắn hạn là vẫn còn, dù chứng khoán Việt Nam có tương đồng với thế giới hay không. VN-Index giảm chạm 1400 điểm đã quay đầu phục hồi, nhưng dòng tiền vào rất hạn chế. Do đó nhịp phục hồi này vẫn mang tính kỹ thuật nhiều hơn. Thông thường nhà đầu tư thận trọng sẽ chờ đợi các tín hiệu rõ hơn ở nhịp điều chỉnh kiểm định đáy 1400, xem thật sự thị trường đã tạo đáy hay chưa. Do đó, trừ phi VN-Index vượt thành công đỉnh 1500 điểm, còn không thị trường hoàn toàn có thể xuất hiện một nhịp kiểm tra đáy và đó là hoàn toàn bình thường.

Ảnh hưởng từ thế giới thường thông qua yếu tố tâm lý là chính. Hiện các thị trường đều khá giống nhau về thời điểm, khi phía trước là mùa báo cáo tài chính năm 2021 bắt đầu khoảng đầu tháng 1. Tuy nhiên nếu thị trường điều chỉnh thì tức là yếu tố kỳ vọng đó chưa để thời điểm phát huy tác dụng.

Ảnh hưởng từ thế giới, thị trường mất điểm
Chỉ số S&P500 đã quay đầu giảm liền hai phiên sau khi kiểm định đỉnh lịch sử bất thành.

Dòng tiền co lại

Phiên sụt giảm hôm nay có yếu tố khá bất lợi, là thanh khoản cũng giảm theo. Dù thanh khoản giảm lúc này mang tính kỹ thuật, là do áp lực bán không nhiều, nhưng phía ngược lại cũng cho thấy nhà đầu tư cầm tiền đang chờ một mức chiết khấu tốt mới xuống tiền.

Phiên cuối tuần qua thanh khoản gia tăng dưới sức ép bán ra từ phía các quỹ ETF. Giá rơi mạnh lôi kéo nhà đầu tư vào bắt đáy. Hôm nay, hầu hết các cổ phiếu đều phục hồi một chút so với hôm qua, nhưng có thể thấy nhà đầu tư đã dừng mua đáng kể.

Phiên sáng thị trường tăng, VN-Index trên tham chiếu đến khoảng 10h45. Thanh khoản rất kém cho thấy giá tăng đã không hấp dẫn người mua nữa. Đặc biệt các blue-chips VN30 giao dịch rất thấp, giảm tới 20% thanh khoản so với cùng thời điểm sáng hôm thứ Sáu.

Cả ngày thị trường không có đợt mua mạnh nào rõ rệt. Tổng giá trị Vn30 phiên hôm nay giảm 28% so với phiên trước. Một số cổ phiếu vốn hóa lớn tăng tốt như VCB tăng 3,11% nhưng thanh khoản chỉ bằng 20% phiên cuối tuần trước. VCB cũng là một trong những cổ phiếu sụt giá cực mạnh 2,6% khi các quỹ ETF bán và được bắt đáy nhiều. Mức giảm đó có thể hấp dẫn người cầm tiền, nhưng khi giá hồi lại hôm nay, không còn nhiều người mua.

Số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn HoSE hôm nay nhiều gần gấp đôi số tăng giá. Chừng đó cũng đủ nói lên rằng sức cầu yếu đã không nâng đỡ được giá. VCB, MSN, TPB, POW, VND, SSI, VPB hay vài mã khác tăng giá nâng đỡ chỉ số mất điểm nhẹ, nhưng vẫn chỉ là hỗ trợ mang tính kỹ thuật. Nhà đầu tư vẫn đang chứng kiến cổ phiếu của mình giảm nhiều hơn là tăng.

Điều quan trọng nhất là dòng tiền chỉ xuất hiện mạnh khi giá giảm với biên độ lớn. Đó là chiến lược chờ mua với kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm.

Lo ngại thế giới, thị trường mất điểm

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

26.530 tỷ đồng (-18%)

906,9 triệu (-15%)

3.482 tỷ đồng (-9%)

120,8 triệu (-14%)