ckhoan

Mặc dù thị trường thế giới và trong nước giảm mạnh nhưng khối ngoại vẫn mua ròng với giá trị lớn.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường giảm mạnh có phần tâm lý lo ngại từ thị trường thế giới. Do đó, đây chính là cơ hội để chọn lựa cổ phiếu tốt, giá “phải chăng” cho chu kỳ tăng mới, bởi nền tảng hỗ trợ cho TTCK Việt Nam vẫn rất tích cực.

Thị trường giảm sâu, nguyên nhân từ đâu

Chỉ sau hai phiên giảm, ngoài việc VN-Index mất hơn 93 điểm, thậm chí có thời điểm xuống dưới mốc 1.000 điểm, thì có hàng trăm cổ phiếu liên tục “nằm sàn” và vốn hóa thị trường từ đó giảm mạnh. Việc thị trường giảm điểm là tổng hòa của nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động không nhỏ từ TTCK trên thế giới. Theo đó, trước thông tin có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất, nhiều thị trường ở Mỹ, Nhật và nhiều nước châu Á đều tràn ngập sắc đỏ, thậm chí có lúc chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm tới 1.600 điểm. Điều này tạo ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước.

Bên cạnh nguyên nhân trên, theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn, TTCK thời gian qua tăng điểm mạnh; giá các cổ phiếu “Big Cap” lên nhanh hơn so với hiệu quả kinh doanh; hàng loạt các doanh nghiệp nhà nước lớn thoái vốn; nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia đấu giá sắp đến ngày nộp tiền; và sắp nghỉ Tết, mọi người muốn thoát danh mục để giảm chi phí ký quỹ (margin), ... cũng là những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường.

Nhà đầu tư cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh thị trường thế giới giảm điểm. Nền tảng vĩ mô của nền kinh tế và TTCK Việt Nam vẫn rất tích cực. Do đó, thị trường vẫn được kỳ vọng tăng trưởng bền vững trong năm nay.
o.dung
Ông Trần Văn Dũng



Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, TTCK tháng qua tăng mạnh, nhất là các cổ phiếu BlueChip và trong bối cảnh giai đoạn cận Tết, nên xu hướng chốt lời xuất hiện. Cùng với đó, rất nhiều nhà đầu tư sử dụng margin cao, nên đã giảm bớt danh mục để không phải chịu phí trong kỳ nghỉ lễ dài ngày. Ông Ngọc cũng cho hay, thị trường trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ từ thị trường thế giới, đặc biệt là thị trường Mỹ với các chỉ số chính giảm mạnh nhất kể từ 3 - 4 năm trở lại đây.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, TTCK Việt Nam giảm mạnh trong hai phiên vừa qua chủ yếu chịu ảnh hưởng từ hai nguyên nhân chính đến từ thị trường quốc tế và tâm lý chốt lời trước kỳ nghỉ Tết. Chủ tịch UBCKNN cũng khẳng định, động thái giảm điều chỉnh tỷ lệ margin không ảnh hưởng tới diễn biến thị trường trong hai phiên vừa qua, bởi đã có lộ trình và thông tin đã được thị trường đón nhận.

Cần bình tĩnh bởi nền tảng thị trường rất tích cực

Chủ tịch UBCKNN khẳng định, các yếu tố nền tảng hỗ trợ cho TTCK Việt Nam vẫn rất tích cực. Theo đó, tiếp nối đà của năm 2017, kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang cho thấy sự tăng trưởng tốt. Cùng với đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn bền bỉ mua vào, khi chỉ tính tới 19/1 đã mua ròng 7.200 tỷ đồng. Điểm rất đáng lưu tâm là mặc dù thị trường thế giới và trong nước giảm rất mạnh, nhưng khối ngoại vẫn mua ròng với giá trị lớn. Điển hình như phiên giao dịch ngày 6/2, khối ngày đã mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng. Điều này đã khẳng định sức hấp dẫn rất lớn của TTCK Việt Nam đối với dòng vốn ngoại.

Thông tin mới nhất từ UBCKNN cho biết thêm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn tiếp tục cho thấy sự tăng trưởng ấn tượng. Theo số liệu mới cập nhật qua báo cáo của các doanh nghiệp, có 97% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE và 92% doanh nghiệp niêm yết trên sàn HNX làm ăn có lãi trong năm 2017. Tính tới hết quý IV/2017, tổng doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tăng lần lượt 19% và 26%, đều tăng so với con số cuối quý III là 18% và 23%.

Ông Nguyễn Duy Hưng cũng chia sẻ: “Là một người trong cuộc, quan điểm cá nhân của tôi là không lo ngại và trong một chừng mực nào đó đợt giảm giá cũng có tác động tích cực, giúp nhà đầu tư thận trọng tỉnh táo hơn khi tham gia thị trường. Qua đó, thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tăng trưởng có chọn lọc phù hợp với tăng trưởng bền vững của nền kinh tế”.

Ông Hưng thông tin thêm, tuần trước, Ngân hàng UBS (ngân hàng nhiều năm được nhận giải Ngân hàng có đội ngũ nghiên cứu phân tích uy tín đứng đầu thế giới) đã ra báo cáo “Việt Nam quá lôi cuốn để có thể bỏ qua” dự báo Việt Nam có thể đạt được kịch bản GDP tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập kỷ tiếp theo, và khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững chứ không quá “nóng”. Lý do họ đưa ra nhận định trên là Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát. Đây là yếu tố khác biệt so với những thời kỳ tăng trưởng mạnh trong quá khứ luôn đi kèm với lạm phát ở mức rất cao.

“Thị trường tăng nhanh khi xuất hiện yếu tố ảnh hưởng sẽ xảy ra điều chỉnh sốc là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, giá giảm là cơ hội để nhà đầu tư lựa chọn cho mình những cổ phiếu có nền tảng tốt, tránh đầu tư theo phong trào. Nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng mạnh và bền vững thì chắc chắn không thể xảy ra khủng hoảng nội tại vào thời điểm này, nên TTCK Việt Nam năm 2018 là năm phát triển tốt”, ông Hưng chia sẻ.

Duy Thái