kiem tra chuyen nganh

Chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Ảnh TL minh họa

Thực hiện mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 19, thời gian qua, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã chủ trì, phối hợp với đại diện một số đơn vị quản lý chuyên ngành thuộc các Bộ tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đến ngày 30/6, Bộ Tài chính đã nhận được 10/13 Bộ thông báo về văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Tuy nhiên, còn nhiều văn bản chưa đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đầu tháng 7, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) tiếp tục chủ trì phối hợp với một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện rà soát 87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành cần sửa đổi, bổ sung theo Quyết định 2026/QĐ-TTg.

Kết quả rà soát cho thấy, có 73 văn bản pháp luật liên quan đến quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ cần sửa đổi, bổ sung.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có số văn bản cần sửa đổi, bổ sung chiếm tỉ lệ nhiều nhất là 27 văn bản; tiếp đến là Bộ Khoa học và Công nghệ có 7 văn bản; Bộ Công Thương 11 văn bản; Bộ Y tế 9 văn bản; Bộ Giao thông vận tải 7 văn bản; Bộ Xây dựng 4 văn bản; Bộ Thông tin và Truyền thông 2 văn bản; Bộ Tài nguyên và Môi trường 3 văn bản; Bộ Công an 1 văn bản; Bộ Quốc phòng 1 văn bản.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính, tiến độ để các đơn vị cần hoàn thành việc sửa đổi số văn bản trên là trong quý IV năm 2016. Bộ Tài chính sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch, tiến độ và kết quả triển khai của các Bộ.

Liên quan tới vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa đi thị sát hoạt động kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa tại Cảng Cát Lái, TPHCM.

Theo đánh giá của Cục Hải quan TPHCM, thực tế cho thấy quy định về kiểm tra chuyên ngành hiện nay không hiệu quả và hiệu lực.

Cụ thể, cả năm 2015 đơn vị chỉ phát hiện 76 vụ vi phạm, chiếm 0,019% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành; quý 1/2016 có 11 vụ vi phạm, chiếm 0,0089% trên tổng số tờ khai kiểm tra chuyên ngành. Trong khi số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành quá nhiều, riêng trong 3 tháng đầu năm 2016, tổng số tờ khai nhập khẩu là 309.185 tờ khai, số tờ khai phải kiểm tra chuyên ngành là 123.283 (bằng 39,87%).

Theo Cục Hải quan TPHCM, chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra trả cho các cơ quan kiểm tra chuyên ngành là rất lớn và trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp, nhưng lớn hơn rất nhiều lần là chi phí cơ hội mà doanh nghiệp phải chịu vì thời gian thông quan bị kéo dài, doanh nghiệp sẽ không thể đưa hàng hóa vào sản xuất, kinh doanh kịp thời.

Theo chuyên gia hải quan Phạm Thanh Bình, danh mục mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan quá nhiều, lên tới 30-35%. “Gắn kiểm tra chuyên ngành với thông quan khiến khâu này đang trở thành nút thắt cổ chai”, ông Phạm Thanh Bình đánh giá./.

Theo chinhphu.vn