Năm 2023, kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng tốt nhất ASEAN Kết quả kinh tế quý I: Nhiều điểm sáng trong bối cảnh khó khăn Ngân hàng Thế giới: 'Tăng trưởng toàn cầu chững lại'

Xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý I

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 3/4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhìn chung, kinh tế vĩ mô tháng 3 và quý I cơ bản được giữ ổn định, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm được các cân đối lớn.

Trong đó, những kết quả nổi bật là lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức phù hợp. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần, tính chung quý I tăng 4,18%. Với sự nỗ lực, phấn đấu, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm có thể đạt được, cần tiếp tục lưu ý chỉ số lạm phát cơ bản quý I.

Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2023: Mục tiêu 6,5% là rất thách thức

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ.

Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, chủ động điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn, thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Thu ngân sách nhà nước quý I ước đạt 30,3% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 30,9% dự toán (tăng 5,4% so với cùng kỳ). Nền kinh tế ước xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý I (cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 1,9 tỷ USD).

Hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản quý I tăng 2,52% (tăng/giảm so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng nuôi trồng thủy sản quý I tăng 3,2%, tranh thủ được cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực, giá trị tăng thêm quý I tăng 6,79%, đóng góp 95,9% tăng trưởng của cả nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 13,4%, tính chung quý I tăng 13,9%. Khách quốc tế đến nước ta đạt gần 2,7 triệu lượt khách, gấp 29,7 lần cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án, ngân hàng yếu kém, nhà máy nhiệt điện…; giải quyết các công việc thường xuyên, các vấn đề phát sinh về nguồn cung xăng dầu, trang thiết bị, vật tư y tế, phản ứng chính sách tiền tệ của Mỹ, EU, vướng mắc của hệ thống đăng kiểm…

Cập nhật kịch bản tăng trưởng năm 2023: Mục tiêu 6,5% là rất thách thức
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Khó khăn có thể kéo dài hết quý II

Tuy nhiên, bên cạnh những kết đạt được, do diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước… Tăng trưởng kinh tế quý I ước đạt 3,32%, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP (kịch bản là 5,6%). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% (quý I năm 2022 tăng 6,8%). Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao. Qua nắm bắt tình hình doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, trong quý I giá trị xuất khẩu thủy sản giảm 30%, đơn hàng dệt may giảm 15 - 20%... Các doanh nghiệp xây dựng chưa đạt được 10% kế hoạch năm. Tình hình khó khăn có thể kéo dài hết quý II năm 2023.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I chỉ tăng 3,7% (cùng kỳ năm 2021 là 8%, năm 2022 là 9%), trong đó đầu tư của khu vực kinh tế ngoài nhà nước chỉ tăng 1,8%. Vốn FDI đăng ký quý I giảm 19,3%. Các tập đoàn lớn xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư lớn vào nước ta trước tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và phản ứng chính sách của Chính phủ. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 28/3 chỉ tăng 2,06%, cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế tiếp tục khó khăn.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I thấp hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đều giảm và xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm.

Cùng với đó, áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng. Điều hành chính sách tiền tệ có thể khó khăn hơn. Điều hành giá chịu áp lực trong bối cảnh dự kiến điều chỉnh giá điện, y tế và các mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá, cộng hưởng với việc điều chỉnh chính sách tiền lương có thể tác động lớn đến lạm phát. Thu hút FDI cũng khó khăn hơn khi dòng vốn FDI toàn cầu bị thu hẹp, lợi thế cạnh tranh về ưu đãi thuế của Việt Nam giảm dần do tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.

Phấn đấu tăng trưởng cả năm đạt 6,5%

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.

Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%). Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025 (6,5 - 7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 05 năm là 6,5%.

Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP). Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5 - 7%.

Kết quả đạt được quý I cơ bản là tích cực

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực, tăng trưởng GDP là mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.