Để duy trì vị trí “quán quân” về Chỉ số cải cách hành chính (CCHC), trước hết là do sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Tài chính, bên cạnh đó có sự nỗ lực không ngừng của các đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Hải quan với mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Hải quan đã làm gì để 6 năm liên tiếp đoạt
Cải cách hành chính góp phần giảm sự tiếp xúc giữa cán bộ hải quan với doanh nghiệp, từ đó hạn chế tối đa tiêu cực. Ảnh: Hồng Vân.

Thường xuyên công khai thủ tục, duy trì đối thoại doanh nghiệp

Để đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế hải quan, Tổng cục Hải quan đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021 - 2030; tập trung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; định hướng CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ; tháo gỡ vướng mắc phát sinh; bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước đồng thời tạo thuận lợi cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu của hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 16 văn bản QPPL (gồm 1 nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, 4 nghị định của Chính phủ, 2 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 9 thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính), đồng thời tập trung nguồn lực xây dựng, hoàn thiện các dự thảo văn bản QPPL quan trọng khác.

Cơ quan hải quan thường xuyên công khai thủ tục hành chính (TTHC); duy trì hoạt động đối thoại với doanh nghiệp; giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; thường xuyên đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra để bảo đảm hiệu quả thi hành pháp luật, hạn chế vướng mắc, khiếu kiện.

Tổng cục Hải quan thường xuyên thực hiện tốt hoạt động đánh giá tác động của TTHC trong quá trình xây dựng văn bản QPPL góp phần quan trọng bảo đảm sự cần thiết, tính hợp pháp, hợp lý của quy định về TTHC; công khai TTHC thường xuyên, kịp thời để bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin về TTHC của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm soát TTHC trong toàn ngành.

Thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp về cải cách TTHC. Trong năm 2020 và 2021, đã nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 5% số quy định và 5% chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ.

Ngành Hải quan cũng đề xuất bãi bỏ bản sao giấy chứng minh nhân dân của 2 TTHC theo Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư; trình ban hành Nghị định số 67/2020/NĐ-CP ngày 15/6/2020 của Chính phủ trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 19/29 điều kiện kinh doanh, cắt giảm 22/52 thành phần hồ sơ của các thủ tục công nhận kho, bãi, cảng, cửa hàng miễn thuế.

Hầu hết các khâu nghiệp vụ của ngành Hải quan đều đã được số hóa. Ảnh: TH.
Hầu hết các khâu nghiệp vụ của ngành Hải quan đều đã được số hóa. Ảnh: TH.

Xây dựng hải quan số tiến tới mô hình hải quan thông minh

Không chỉ cải cách về thủ tục, cơ quan hải quan đã xây dựng và vận hành hiệu quả một số hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) quan trọng để phục vụ thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan tự động.

Đến nay, các thủ tục hải quan cốt lõi được thực hiện hoàn toàn bằng phương thức tự động thông qua Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) với 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc thực hiện, hơn 99% doanh nghiệp tham gia, xử lý hơn 99,8% tờ khai hải quan và thời gian thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1 đến 3 giây.

Tổng cục Hải quan đã ký kết với 44 ngân hàng để phối hợp thu thuế điển tử, số thu đạt khoảng 99,8% số thu ngân sách toàn ngành. Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt 91% tổng số dịch vụ công.

Về tích hợp TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đến nay, có 259 TTHC của 13 bộ, ngành kết nối, thực hiện trên Cơ chế một cửa quốc gia với hơn 50.000 doanh nghiệp tham gia. Bên cạnh đó đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước thành viên ASEAN.

Tổng cục Hải quan triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM) thông qua việc kết nối, trao đổi thông tin với 495 doanh nghiệp kinh doanh cảng, sân bay, kho, bãi, địa điểm chịu sự giám sát hải quan.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lưu lượng hàng hóa lưu thông giữa các quốc gia ngày càng gia tăng; Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các yêu cầu hội nhập toàn diện; cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, từ đầu năm 2021, Tổng cục Hải quan tập trung xây dựng hải quan số tiến tới mô hình hải quan thông minh.

Mô hình hải quan thông minh sẽ có mức độ tự động hóa cao, ứng dụng các thành tựu khoa học mới và hiện đại trên nền tảng số, phi giấy tờ, đảm bảo minh bạch, công bằng, hiệu lực, hiệu quả, có khả năng dự báo, thích ứng với sự biến động của thương mại quốc tế và yêu cầu quản lý của cơ quan hải quan, yêu cầu chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang xây dựng hệ thống CNTT mới thông qua hình thức thuê dịch vụ CNTT nhằm khắc phục nhược điểm của hệ thống CNTT hiện hành. Toàn bộ giao dịch được hệ thống mới xử lý theo cách thức thống nhất, đảm bảo áp dụng nhất quán các quy định pháp luật trong nước và đối xử ngang bằng với tất cả các đối tác thương mại.

Dự kiến trong 5 năm tới, 92.000 doanh nghiệp XNK, kinh doanh kho, bãi, cảng khi sử dụng hệ thống CNTT mới của ngành Hải quan sẽ tiết kiệm khoảng 920 tỷ đồng, được khai báo thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi, trên mọi công cụ.