Huy động tối đa nguồn lực để “chặn đầu” ma túy
Đối tượng cùng tang vật bị cơ quan chức năng bắt giữ khi vận chuyển ma túy qua cửa khẩu Cầu Treo - Hà Tĩnh đầu tháng 3/2024. Ảnh Thế Mạnh

Tội phạm ma túy lợi dụng môi trường mạng

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04, Bộ Công an), tội phạm và tệ nạn ma túy trên thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, không ngừng gia tăng về tính chất và mức độ. Tình trạng sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở khu vực Đông Nam Á, nhất là Lào, Campuchia đang diễn ra nghiêm trọng, có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.

Cùng với đó, tội phạm ma túy tại nhiều quốc gia đang đẩy mạnh việc lợi dụng tuyến hàng không và đường biển quốc tế, thậm chí sử dụng tàu ngầm, tàu có thiết kế kỹ thuật “bán chìm” để vận chuyển trái phép chất ma túy.

Tội phạm ma túy lợi dụng chính sách thông thoáng để gia tăng hoạt động

Tổ chức, đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy ngày càng gia tăng lợi dụng các quy định, thông thoáng về mặt chính sách như: quy định về tạo thuận lợi thương mại, chính sách miễn thị thực đối với cư dân thuộc khối ASEAN; sự khác biệt trong quy định pháp luật về ma túy của các quốc gia, xu hướng hợp pháp hóa cần sa và một số loại ma túy tại một số nước… để hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, đặc biệt là trên tuyến hàng không, chuyển phát nhanh, khiến cho tình hình ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.

Trong nước, tội phạm ma túy phức tạp trên các tuyến biên giới, tuyến đường hàng không, bưu điện và không gian mạng. Để tụ tập sử dụng ma túy, các đối tượng lợi dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật thời kỳ 4.0 để rủ rê, lôi kéo, tụ tập trên không gian mạng, thông qua việc thành lập các hội nhóm qua các các mạng xã hội như zalo, facebook, telegram...; thống nhất thời gian, địa điểm và bàn bạc về việc tổ chức sử dụng ma túy.

Thậm chí các trang mạng điện tử cũng bị tội phạm ma túy lợi dụng như một kênh thông tin hiện đại để quảng cáo, giao dịch chủ yếu các loại ma túy là cỏ mỹ, cần sa, các loại ma túy “núp bóng” pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thảo mộc đang được giới trẻ ưa chuộng sử dụng.

Lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ để phạm tội khi gửi, nhận hàng hóa thông qua các công ty dịch vụ vận chuyển (có thể gửi hàng tự động với hệ thống máy tính không cần đến nhân viên) hoặc qua dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ đang phát triển rất mạnh tại các thành phố, đô thị lớn.

Các đối tượng thường xuyên tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng khi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Khi bị vây bắt, các đối tượng vận chuyển trái phép ma túy rất manh động, liều lĩnh chống trả, tấn công lực lượng chức năng.

Ngăn chặn từ sớm, từ xa

Dự báo thời gian tới, tội phạm ma tuý vẫn tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Các lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma tuý cấp trung ương (công an, hải quan, bộ đội biên phòng, cảnh sát biển) thực hiện quán triệt các chỉ đạo của lãnh đạo các cấp liên quan đến công tác phòng, chống ma túy; thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chương trình, kế hoạch, quy chế phối hợp đã ký kết bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, các lực lượng tiếp tục tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống ma túy theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đồng thời, các lực lượng phối hợp làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống ma tuý, tích cực tham gia các phong trào giữ gìn an ninh trật tự gắn với xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế ở địa phương; triển khai các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy.

Huy động tối đa nguồn lực để “chặn đầu” ma túy

Đặc biệt, các lực lượng cần phối hợp nắm vững địa bàn, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin, công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý; mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm; xây dựng các phương án, kế hoạch đấu tranh chung, giải quyết tình hình tội phạm phức tạp ở các tuyến, khu vực, địa bàn trọng điểm, nhất là ở các khu vực biển trọng điểm, cảng biển lớn, biên giới đất liền.

Các cơ quan đều tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống ma tuý để ngăn chặn từ xa, từ sớm nguồn ma túy vào Việt Nam; quyết tâm không để nước ta trở thành địa bàn sản xuất, trung chuyển ma túy quốc tế; thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về các loại ma tuý mới, các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy giữa các cơ quan chuyên trách để nâng cao trình độ, ý thức cảnh giác của cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý đạt hiệu quả cao.

Phát biểu trong cuộc sơ kết hoạt động phối hợp đấu tranh phòng, chống ma túy với Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, công tác đấu tranh phòng, chống ma túy hết sức quan trọng, sống còn, nguy hiểm và rất khó khăn. Về vấn đề hoàn thiện pháp luật, cần cá thể hóa trách nhiệm của công ty chuyển phát nhanh, minh bạch thông tin của người gửi, người nhận để truy xét nhanh nhất; siết chặt quản lý rủi ro của ngành Hải quan, cảnh giác với các doanh nghiệp vi phạm…

Để nâng cao hiệu quả đấu tranh trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng thống nhất tinh thần phải giải quyết được “cầu” và triệt phá bằng được nguồn “cung”. Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng cần được tăng cường hơn nữa, phấn đấu không còn khoảng trống cả về pháp luật cũng như không còn khoảng trống giữa các lực lượng đấu tranh. Đồng thời, cơ quan chức năng triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, huy động cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp để cùng tham gia, mang lại hiệu quả tối đa.

ÔNG NGUYỄN HÙNG ANH - CỤC TRƯỞNG CỤC ĐIỀU TRA CHỐNG BUÔN LẬU (TỔNG CỤC HẢI QUAN, BỘ TÀI CHÍNH):

Đẩy mạnh công tác phối hợp trao đổi thông tin

Huy động tối đa nguồn lực để “chặn đầu” ma túy

Thời gian tới, các lực lượng chuyên trách tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, đảm bảo thống nhất, nhuần nhuyễn, nhất quán, kịp thời và hiệu quả.

Bên cạnh đó, các lực lượng tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp trao đổi thông tin nghiệp vụ, xây dựng cảnh báo, phân tích đánh giá rủi ro và xác định trọng điểm; từ đó, phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong đấu tranh phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm về ma túy và tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức đấu tranh phòng, chống ma túy trong toàn cộng đồng.

Đồng thời, duy trì, thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác giao ban, trao đổi tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm triển khai công tác và đấu tranh chuyên án ma túy.

TRUNG TƯỚNG NGUYỄN VĂN VIỆN - CỤC TRƯỞNG CỤC CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM VỀ MA TÚY (BỘ CÔNG AN):

Đưa phổ biến pháp luật vào chiều sâu

Huy động tối đa nguồn lực để “chặn đầu” ma túy

Hiện nay, công tác phòng, chống ma túy ở nước ta đang tập trung vào 3 trụ cột chính: “giảm cung”, “giảm cầu” và “giảm tác hại”. Trong “giảm cầu”, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hết sức quan trọng.

Thời gian qua, mặc dù các đơn vị chức năng đã nỗ lực ngăn chặn, nhưng tỷ lệ người sử dụng ma túy không giảm mà có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân, nhất là giới trẻ về tác hại của ma túy chưa được đầy đủ. Công tác tuyên truyền còn hình thức, dàn trải, chưa chuyên sâu dành cho đối tượng có nguy cơ cao như thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Trước thực trạng trên, Bộ Công an cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký kết chương trình phối hợp nhằm xây dựng các chương trình cụ thể, chuyên biệt để triển khai các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy trong học đường…