BMĐ

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) phát biểu sáng 13/6.

Cân nhắc việc thanh, kiểm tra khu vực ngoài nhà nước

Đa số các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo Luật và tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật ra khu vực ngoài nhà nước, cụ thể là mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng tổ chức tín dụng, các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện.

Theo đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng), việc mở rộng phạm vi so với luật hiện hành là cần thiết, phù hợp với xu thế quốc tế và yêu cầu về PCTN. Việc mở rộng này cũng đảm bảo phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự và hình sự hóa các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp (DN), tổ chức ngoài nhà nước, đồng thời phù hợp với công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Làm rõ hơn nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho biết quy định này mới chỉ bước đầu tiến tới mở rộng phạm vi khu vực tư, giới hạn ở công ty đại chúng, các tổ chức tín dụng, là những đơn vị này đang huy động vốn của người dân nên cần có sự kiểm soát. Theo đại biểu, khu vực công mới là khu vực chúng ta cần PCTN một cách triệt để và hữu hiệu.

Đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh, song đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng góp ý cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng đối với công tác thanh tra, kiểm tra khu vực ngoài nhà nước như quy định tại dự thảo Luật. Theo đại biểu, hành lang pháp lý đối với các tổ chức này và công ty đã được pháp luật quy định rõ ràng, chặt chẽ. Việc thanh tra, kiểm tra chồng chéo có thể gây phiền hà và ảnh hưởng không nhỏ tới việc sản xuất, kinh doanh của DN. Do đó, đại biểu đề nghị thu hẹp phạm vi thanh tra về PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước và cần có quy định cụ thể, chặt chẽ để tránh lạm dụng, gây khó khăn cho tổ chức và DN.

Một vấn đề khác tại dự thảo Luật được các đại biểu thảo luận nhiều là quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không rõ nguồn gốc. Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) ủng hộ phương án 1 do Ban soạn thảo đề xuất theo hướng thu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai, nhưng không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản nếu sau đó chứng minh được tài sản đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội.

Theo đại biểu, thực tế ở nước ta hiện nay việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là hết sức khó khăn. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán v.v... Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu không kê khai này là sai, nhưng cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp. Ở góc độ pháp luật, không thể nhìn nhận tài sản, thu nhập đó là bất hợp pháp, và chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ là bất hợp pháp thì nguyên tắc vẫn phải suy đoán tài sản đó là hợp pháp.

Đề xuất kê khai thuế TNCN của các vị trí có khả năng tham nhũng

Cùng quan điểm này, đại biểu Mùa A Vảng (Điện Biên) cho rằng có thể xảy ra những trường hợp tài sản tăng thêm không phải do phạm tội mà có như thừa kế tài sản, cho, tặng. Như vậy, nộp thuế thu nhập cá nhân như phương án 1 là phù hợp. Nếu quy định xử phạt tiền bằng 45% giá trị phần tài sản thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm như phương án 2 của dự thảo đối với loại tài sản được hình thành như đã nêu trên thì sẽ sinh ra mâu thuẫn xã hội, và có xử phạt nếu đó không phải là tài sản phạm tội mà có.

Trong trường hợp người phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản theo 8 trường hợp đã quy định về căn cứ xác lập quyền sở hữu tại Điều 221 của Bộ luật Dân sự 2015 và cơ quan kiểm soát tài sản chứng minh được tài sản do phạm tội mà có thì sẽ áp dụng khoản 3, phương án 1 Điều 59, đồng thời quy định chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo Điều 237 của Bộ luật Dân sự. Như vậy, phương án này sẽ không để lọt tội phạm.

HVH
Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) phát biểu sáng 13/6.

Tranh luận với đại biểu Mùa A Vảng, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng hiện nay thuế thu nhập cá nhân đang được quản lý rất khoa học, chính xác, có hệ thống quản lý rất chặt chẽ. Do đó, đại biểu đề xuất có thêm yêu cầu kê khai thuế thu nhập cá nhân của tất cả các vị ở vị trí có khả năng tham nhũng hàng năm vào Điều 38 dự thảo luật. Theo đại biểu, nếu biết con số cụ thể này thì người dân cũng như các cơ quan chức năng có thể dễ dàng giám sát, theo dõi, "không có lý do gì mà thu nhập thuế cá nhân một năm chỉ có khoảng 1 đến 2 triệu mà người đấy vẫn có thể mua được nhà, xe", đại biểu phân tích.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) không đồng tình với cả hai phương án thu thuế hay xử phạt như dự thảo, vì cho rằng muốn xử lý thì các cơ quan tố tụng phải có nghĩa vụ chứng minh chứ không phải trách nhiệm giải trình của người có tài sản. Theo quy định về quyền sở hữu tài sản, là quyền hiến định được pháp luật bảo vệ nên không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự.

Do đó, đại biểu đề nghị xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, không giải trình được theo hướng là thông qua quy trình, thủ tục tư pháp và phải được xem xét công khai, tranh tụng tại tòa với sự giám sát chặt chẽ của Viện Kiểm sát. Tòa án sẽ có trách nhiệm xem xét quyết định và thực hiện phán quyết bằng quyết định nhân danh nhà nước.

H.Y