Nhiều thách thức đối với Việt Nam

Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) vừa qua đã tổ chức hội thảo chính sách tài chính phát triển kinh tế tuần hoàn ở một số quốc gia và khuyến nghị cho Việt Nam. Theo TS. Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH). Nhiều chính sách đang được triển khai và trên thực tế đã có nhiều doanh nghiệp đi tiên phong trong thực hiện KTTH, như: Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Heineken… đã thiết kế mô hình kinh doanh hướng đến tái chế và phát triển KTTH. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, như về nhận thức, công nghệ, nguồn lực, đòi hỏi Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cùng phải nỗ lực hơn nữa để phát triển KTTH.

Biểu đồ so sánh khái quát kinh tế tuyến tính với kinh tế tuần hoàn.
Biểu đồ so sánh khái quát kinh tế tuyến tính với kinh tế tuần hoàn.

Hiện có 30 quốc gia xây được lộ trình phát triển KTTH, tuy nhiên đối với Việt Nam, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ. Khái niệm KTTH mới được đề cập chính thức trong Luật Bảo vệ môi trường từ năm 2020, nên việc triển khai tại Việt Nam còn nhiều thách thức, các nguồn lực dành cho chương trình này cũng còn hạn chế.

TS. Nguyễn Hoàng Nam - Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị (Đại học Kinh tế quốc dân) cho biết, khái niệm KTTH sớm được đưa ra từ những năm 60, 70 của thế kỷ trước bởi một số nhà kinh tế môi trường và kinh tế sinh thái. Qua nhiều năm khái niệm này đã được hoàn thiện với khoảng 180 định nghĩa khác nhau.

Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, KTTH đề cập đến đó là “một nền kinh tế nơi giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế lâu nhất có thể và đồng thời giảm tối thiểu chất thải”. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đều cho rằng KTTH “là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường”. Theo đó, cần xem xét KTTH theo một hệ thống gồm đầy đủ các bước, như: Thiết kế, sản xuất, tiêu dùng, quản lý chất thải, từ chất thải trở lại thành tài nguyên.

Thu hút các nguồn vốn cho phát triển kinh tế tuần hoàn

Theo nghiên cứu của một số học giả gửi đến hội thảo, nguồn lực tài chính cho chuyển đổi sang mô hình KTTH là vấn đề quan trọng mà các quốc gia cần cân nhắc khi thực hiện chuyển đổi.

Để chuyển đổi sang mô hình KTTH, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, châu Âu… đã ban hành các chính sách khác nhau, đặc biệt là các chính sách tài chính nhằm thúc đẩy KTTH như coi thuế là công cụ chính, hiệu quả để thúc đẩy chuyển đổi kinh tế truyền thống sang KTTH hoặc sử dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân chuyển đổi sang KTTH. Bên cạnh đó, việc coi trọng chính sách phát triển thị trường tài chính nhằm tạo điều kiện cho việc thu hút các nguồn vốn cho phát triển KTTH... cũng là các giải pháp được một số quốc gia tính đến.

Tại Việt Nam, theo kết quả khảo sát năm 2021 của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) và Công ty cổ phần tư vấn EPRO, trong số 54% số doanh nghiệp gặp khó khăn khi chuyển đổi mô hình theo hướng tuần hoàn có gần 48% cho rằng khó khăn về tài chính chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khó khăn (công nghệ, kỹ thuật là 43% và chính sách là 34%).

Trung Quốc miễn hoặc hoàn thuế trực tiếp cho doanh nghiệp

Chính phủ Trung Quốc ưu đãi thuế cho các hoạt động công nghiệp thúc đẩy phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, khuyến khích nhập khẩu các máy móc thiết bị tiết kiệm năng lượng và nguyên liệu. Các doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện có thể được miễn hay hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào theo tỷ lệ nhất định. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu một doanh nghiệp mua và sử dụng thiết bị đặc biệt trong danh mục quy định nhằm mục đích bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và nước, sản xuất an toàn thì chi phí mua thiết bị có thể được khấu trừ thuế thu nhập 10%. Đối với các doanh nghiệp sử dụng nước thải, khí thải và chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất chính, thuế thu nhập có thể được giảm hoặc miễn trong thời hạn, như miễn 3 năm và giảm 50% trong 3 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp xử lý nước thải, chất thải cộng đồng, doanh nghiệp đổi mới công nghệ trong bảo tồn năng lượng...

Do đó, để triển khai các chính sách tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn nói riêng và KTTH nói chung, cần sử dụng biện pháp can thiệp chủ yếu dựa trên hệ thống thuế và chi tiêu của Chính phủ cùng với việc phát triển hệ thống tín dụng. Theo đó, chi tiêu công xanh sẽ đảm bảo cung cấp nguồn lực lớn hỗ trợ cho KTTH. Chính sách thuế có thể áp dụng để hạn chế việc sử dụng nguyên vật liệu gây ô nhiễm môi trường, như: đánh thuế đối với chất thải; đánh thuế tài nguyên sử dụng lần đầu; chuyển gánh nặng thuế từ lao động sang nguyên vật liệu; đánh thuế phương tiện dựa trên giá trị phát thải CO2...

Ở một góc độ khác, việc phát triển thị trường tài chính nhất là thị trường vốn sẽ đánh thức tiềm năng của nền kinh tế, tạo nguồn lực tài chính cho các đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để chuyển đổi sang mô hình sản xuất kinh doanh KTTH.

Đối với vai trò của Bộ Tài chính, có ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính rất quan trọng, bởi KTTH có thể được hưởng ưu đãi và tín dụng xanh, trái phiếu xanh; thúc đẩy mua sắm công xanh; thúc đẩy thị trường vật liệu thứ cấp. Theo các nhà khoa học, Bộ Tài chính rất quan trọng, có vai trò “chủ chi” và đề xuất các cơ chế chính sách, cơ chế tài chính để thúc đẩy các cơ quan, bộ, ngành thực hiện KTTH.

* Chuyên gia kinh tế PGS. TS Đinh Trọng Thịnh:

Có chính sách khuyến khích sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm xanh

Để phát triển KTTH, công nghệ là quan trọng nhưng nếu công nghệ càng cao thì đòi hỏi nguồn lực càng lớn, tuy nhiên cái vướng nhất hiện nay đó chính là kinh phí.

Có thể nói, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay, tiềm lực của Nhà nước và doanh nghiệp vẫn chưa đủ để thực hiện KTTH, kinh tế xanh. Các tài trợ của Nhà nước như các chương trình ưu đãi, các tài trợ cho dự án, chương trình để khôi phục tài nguyên thiên nhiên lại càng ít.

Tôi cho rằng, Chính phủ cần có chương trình tổng thể về phát triển KTTH, từ đó có kế hoạch cụ thể, gắn với mốc thời gian và nguồn lực thực hiện.

Đối với các chính sách tài chính mà cụ thể là chính sách thuế, cần rà soát để loại bỏ các chính sách không phù hợp với kinh tế xanh, KTTH. Ví như đối với việc điều chỉnh các hành vi phá hoại hoặc xả thải, các hành vi có tác động xấu tới môi trường của người dân, doanh nghiệp, thì cần đánh thuế cao để hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.

Trong mua bán, chi tiêu công cũng cần “chi tiêu xanh”; cần có chính sách về tiếp cận nguồn vốn và thuế để doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh và người tiêu dùng mua các sản phẩm xanh được hưởng lợi tốt hơn.

*TS. Nguyễn Hoàng Nam - Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị (Đại học Kinh tế quốc dân):

Kinh tế tuần hoàn vừa tiết kiệm chi phí vừa không ảnh hưởng tới môi trường

Khâu thiết kế là khâu đầu để thực hiện KTTH, hiện có khái niệm “thiết kế chất thải”, cần lưu ý khi sản phẩm đó hoàn thành vòng đời của mình, phải tính đến chất thải đó có ảnh hưởng đến môi trường hay không. Hiện nay nhiều hãng nước ngọt đã thay đổi từ chai nhựa xanh đỏ bắt mắt thành chai thủy tinh tái chế, tiết kiệm chi phí. Như vậy, KTTH có tác dụng tốt cho môi trường và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Ở nhiều nước đã từng bước đưa chất thải trở thành tài nguyên, tái sử dụng tài nguyên có thể là kênh tiếp cận mới, coi chất thải là tài nguyên thứ cấp. Ở Việt Nam, khái niệm KTTH đã có từ năm 1998, nhiều khái niệm được đưa ra, như: “công nghệ xanh” “ít tiêu hao năng lượng”… Nhưng chỉ đến năm 2020, khi có Luật Bảo vệ môi trường, chúng ta mới đề cập đến khái niệm KTTH và có điều khoản riêng về KTTH. Tại Điều 142 của Luật Bảo vệ môi trường, định hướng áp dụng từ thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và tuần hoàn vật liệu. Phân loại rác thải tại nguồn cũng được quy định trong luật.q

*ThS. Nguyễn Thị Thu - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính):

Đa dạng hóa huy động nguồn lực phát triển kinh tế tuần hoàn

Để huy động nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế tuần hoàn, cần thiết phải đa dạng hóa việc huy động, bao gồm các nguồn lực từ phía Nhà nước cũng như nguồn lực từ phía người dân, doanh nghiệp. Huy động nguồn lực từ phía Nhà nước thông qua các chính sách, như: Chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình KTTH, các chính sách trợ giá năng lượng tái tạo...; các chính sách mua sắm công xanh, các ưu đãi về thuế, phí; các chính sách về tín dụng.

Huy động nguồn lực từ thị trường thông qua chính sách tạo thị trường vốn xanh là một kênh dẫn dắt, huy động nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp và lan tỏa ra cả quốc gia nhằm khuyến khích phát triển mô hình KTTH.

Bên cạnh đó, tăng cường huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu xanh. Trái phiếu xanh có thể được phát hành bởi các chủ thể công như chính phủ, chính quyền địa phương hoặc khu vực tư nhân (ngân hàng, doanh nghiệp) để tăng vốn cho các dự án gắn liền với môi trường.