PV: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP (Nghị định 91) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP (Nghị định 126) quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế. Xin ông cho biết đôi nét về những điểm mới của nghị định này?

Ông Lưu Đức Huy: Ngày 30/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 91, sửa đổi, bổ sung một số điểm mới so với Nghị định 126. Nghị định bổ sung quy định về kết thúc thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Theo đó, trường hợp ngày cuối cùng của thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp thuế, thời hạn cơ quan quản lý thuế giải quyết hồ sơ, thời hạn hiệu lực của quyết định cưỡng chế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày làm việc liền kề sau ngày nghỉ đó.

Quy định tạm nộp 80% thuế thu nhập: Giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất
Ông Lưu Đức Huy

Đồng thời, nghị định bổ sung quy định người khai thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc trường hợp khai thuế TNCN theo tháng, quý mà trong tháng, quý đó không phát sinh việc khấu trừ thuế TNCN của đối tượng nhận thu nhập thì người nộp thuế (NNT) không phải nộp hồ sơ khai thuế.

Đáng chú ý, nghị định đã sửa đổi, bổ sung quy định về tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và tạm nộp thuế TNDN của hãng vận tải nước ngoài. Theo đó, nghị định đã bãi bỏ quy định số thuế TNDN tạm nộp ba quý đầu năm không được thấp hơn 75% số thuế quyết toán năm, mà thay vào đó tổng số thuế TNDN tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp NNT nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 4 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế TNDN quý IV đến ngày liền kề trước ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Nghị định cũng quy định tổng số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ đã tạm nộp của 4 quý không được thấp hơn 80% số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm. Trường hợp người nộp thuế, nộp thiếu so với số phải tạm nộp 4 quý thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ quý IV đến ngày liền kề trước ngày nộp số lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ còn thiếu vào NSNN…

PV: Đối với quy định về tạm nộp 80% thuế TNDN của 4 quý thì có thay đổi gì so với trước? Quy định mới sẽ giúp gì doanh nghiệp, thưa ông?

Ông Lưu Đức Huy: Từ nay doanh nghiệp đã có thể tạm nộp 80% thuế TNDN của 4 quý theo quyết toán thuế năm thay vì phải nộp 75% của 3 quý theo quy định cũ. Đây là điểm mới và quy định này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp DN chủ động cân đối được dòng tiền trong hai tháng cuối năm.

Theo quy định cũ, DN phải tạm nộp thuế TNDN theo từng quý và tổng số thuế TNDN tạm nộp trong 3 quý không được thấp hơn 75% của số thuế phải nộp theo quyết toán cả năm. Nhiều DN đến quý 4 mới có doanh thu cao nên 3 quý trước đó tuy không có lãi và không có doanh thu vẫn phải tạm nộp thuế. Theo Nghị định 91 vừa ban hành, DN có thể tạm nộp 80% số thuế TNDN của 4 quý theo quyết toán năm.

Quy định tạm nộp 80% thuế thu nhập: Giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất
Nghị định 91 góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nếu như phải nộp 75% của 3 quý theo quyết toán năm thì thời hạn nộp sẽ là 30/10 trong năm đó. Còn nếu chuyển sang áp dụng 80% của 4 quý thì thời hạn nộp sẽ là ngày 30/1 năm sau. Như vậy nó sẽ tạo ra nguồn lực cho DN trong giai đoạn cuối năm, triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Theo quy định cũ, nếu số thuế tạm nộp của 3 quý đầu năm thấp hơn số thuế phải nộp DN phải nộp của cả năm, thì doanh nghiệp sẽ bị tính tiền chậm nộp trên số thuế thấp hơn 75% đó. Trên thực tế nhiều DN ước tính kết quả kinh doanh vào quý III không chính xác và đến quý IV nếu có kết quả kinh doanh tốt hơn so với các quý trước thì sẽ đối mặt với rủi ro bị phạt chậm nộp. Chính vì vậy, Nghị định 91 mới ban hành giúp DN thực hiện được chính xác số thuế TNDN phải nộp và được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021.

Những điểm mới nói trên là một trong nhiều nỗ lực của Chính phủ, Bộ Tài chính nhằm tháo gỡ vướng mắc về thuế cho các DN, giúp DN có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.

PV: Vậy nếu trường hợp DN đã thực hiện theo quy định tại Nghị định 126 thì sẽ thực hiện ra sao, thưa ông?

Ông Lưu Đức Huy: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Tuy nhiên, nghị định này được áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2021. Theo đó, tính đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành NNT có số thuế tạm nộp 3 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 không thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm thì không áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 4 quý. Đồng thời, cũng tính đến ngày nghị định này có hiệu lực thi hành, NNT có số thuế tạm nộp 3 quý đầu kỳ tính thuế năm 2021 thấp hơn 75% số phải nộp theo quyết toán năm, thì được áp dụng tỷ lệ tạm nộp 4 quý nếu không tăng thêm số tiền chậm nộp.

Trường hợp cơ quan có thẩm quyền thực hiện thanh tra, kiểm tra đã tính tiền chậm nộp theo quy định tại điểm b, điểm c, điểm g khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126 và khi áp dụng quy định tỷ lệ tạm nộp 4 quý theo nghị định này thì được giảm số tiền chậm nộp.

PV: Xin cảm ơn ông!